Hội nghị các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 18 và 19/10 được coi là cơ hội để các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện thực hóa khả năng bước đến giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng.

Tổng thống Pháp Francois Hollande, người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ 2 của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhận định, trong một cuộc trả lời phỏng vấn 5 tờ báo lớn của Pháp rằng “những điều tồi tệ nhất đã qua” còn nữ Thủ tướng Angela Merkel thì cho rằng, châu Âu đã được trang bị những cơ chế tốt nhất để bước dần ra khỏi khủng hoảng.

hai-nha-lanh-dap-phap-va-duc.jpg
Hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức có cuộc gặp trước Hội nghị Thượng đỉnh EU

Niềm tin của các nhà lãnh đạo 2 đầu tàu kinh tế Eurozone là có cơ sở. Ngày 8/10 vừa qua, sau cuộc họp của các Bộ trưởng Kinh tế tại Luxembourg, Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) đã chính thức đi vào hiệu lực. Cơ chế này được coi là "khẩu súng bazooka" về tài chính để giúp châu Âu chống chọi khủng hoảng bởi nó được trang bị nguồn vốn thường trực là 500 tỷ euro cộng thêm 200 tỷ euro có thể được huy động khẩn cấp khi cần.

Sự ra đời của ESM trong khi cơ chế tiền nhiệm là Quỹ bình ổn tài chính Châu Âu (EFFS) vẫn còn tồn tại, cộng thêm những quy định mới cách đây 1 tháng cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được phép mua không hạn chế các trái phiếu Chính phủ trên các thị trường thứ cấp, giúp cho Eurozone giờ đây ít bị tổn thương hơn rất nhiều. Với nguồn lực của cơ chế mới, được coi như là một dạng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) của riêng châu Âu, nguy cơ sụp đổ của một quốc gia như Hy Lạp hay Tây Ban Nha ít nhiều bị đầy lùi.

Ông Fabian Zuleeg, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu các chính sách châu Âu phân tích: “Chắc chắn ý tưởng về trái phiếu chung Châu Âu, cho phép một sự chuyển đổi nợ là một câu hỏi luôn được đặt lên bàn thảo luận, nhưng nước Đức vẫn chính thức phản đối đi theo hướng đó. Ngoài ra, ý tưởng có một vài nền kinh tế mạnh ở trung tâm có thể củng cố kỷ luật về ngân sách là một điều tốt. Nhưng tôi nghĩ chúng ta có một câu hỏi là giải pháp đó sẽ đi xa tới đâu và có ảnh hưởng thế nào về các quy định tài khóa. Và cũng không nên chỉ tập trung vào vấn đề kiềm chế chi tiêu, chúng ta cũng phải thấy rõ rằng cần có các chính sách khuyến khích ở cấp độ châu Âu để thúc đẩy tăng trưởng ở chính các quốc gia đang bị khủng hoảng nặng nề”.

Một trong các nhiệm vụ chính của Cơ chế ổn định châu Âu là việc tái vốn hóa các ngân hàng hoạt động kém hiệu quả tại các nền kinh tế thành viên như Italy, Tây Ban Nha… nhưng vẫn còn một rào cản buộc các nhà lãnh đạo Eurozone phải vượt qua. Đó chính là việc rà soát toàn bộ lĩnh vực ngân hàng trong khu vực Eurozone trong đầu năm 2013 để đưa ra quyết định ngân hàng nào cần được tái vốn hóa trực tiếp.

Mâu thuẫn nảy sinh giữa các thành viên chủ chốt trong vấn đề này. Đức, nền kinh tế số 1 của Eurozone, muốn đợt rà soát này diễn ra theo một trình tự dưới sự kiểm soát của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và đã viện đến sự trợ giúp của Anh, nước nằm ngoài Eurozone nhưng là một thế lực trên thị trường tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, Pháp, Italy hay Tây Ban Nha lại lưỡng lự bởi cần có thêm thời gian để thẩm định hiệu quả các chính sách mới áp dụng trong lĩnh vực ngân hàng nội địa, chẳng hạn như việc tái cấu trúc và thành lập các ngân hàng đầu tư công mới như tại Pháp.

Ngay cả nước Đức cũng có những lo ngại riêng trong kế hoạch này, đó là việc thẩm định có thể đánh tụt xếp hạng của các ngân hàng địa phương (Landesbanken) vốn đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế các bang tại Đức. Cả khi việc kiểm soát được thực hiện xong thì phân chia các gói cứu trợ ra sao cũng là điều còn tranh cãi. Nước Đức muốn nguồn lực của Cơ chế ổn định chỉ dành để xử lý các ngân hàng đang và sẽ gặp khó khăn trong khi các nước như Hy Lạp hay Tây Ban Nha lại muốn cơ chế này có thể cứu trợ cả các ngân hàng đã bị khủng hoảng từ trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khả năng đạt được đột phá của EU trong cuộc họp lần này là không nhiều nhưng sẽ có những tín hiệu được phát ra có thể ảnh hưởng đến tình hình nội chính của các quốc gia thành viên. Thị trường chờ đợi một phản ứng dứt khoát của Tây Ban Nha bởi nước này đã từ chối kêu gọi sự trợ giúp của cơ chế ổn định châu Âu hôm 8/10 vừa qua dù thực trạng của các ngân hàng Tây Ban Nha đang rất đáng báo động.

Nếu Tây Ban Nha không đưa ra một tín hiệu rõ ràng về việc cầu cứu sự trợ giúp của Cơ chế ổn định tài chính châu Âu, nền kinh tế nước này có thể tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng, thể hiện rõ nhất ở việc lãi suất cho vay dài hạn (10 năm) sẽ tiếp tục tăng từ mức 6% hiện nay lên ngưỡng kiểm soát là 7%. Tuy nhiên, khả năng Tây Ban Nha cầu cứu châu Âu vẫn là khá nhỏ bởi nước này e ngại các điều khoản quá ngặt nghèo để đổi lấy trợ giúp, như việc tiếp tục thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, có thể khiến các căng thẳng xã hội bùng nổ dữ dội hơn thời gian qua.

Vì thế, việc Eurozone có thể tiến một bước dài ra khỏi khủng hoảng sau Hội nghị lần này không, vẫn là một dấu hỏi lớn./.