Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều hôm qua (28/1) kết thúc sau 2 ngày họp. Mặc dù hai bên không đạt được kết quả như kỳ vọng, nhưng việc lãnh đạo hai nước cùng ngồi vào bàn đàm phán, thảo luận các vấn đề còn tồn tại cũng cho thấy tiến trình hòa bình đang đi đúng hướng.

metropole_during_donald_leader_second_garden_president_8629b1a8_3b07_11e9_bdc1_734f7b7cfb0c_etms.jpg
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đi dạo tại khách sạn Metropole. Ảnh: Reuters.

Hình ảnh Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump chào nhau thân thiện trước khi ra về, cùng thiện chí của hai bên tuyên bố tiếp tục đối thoại cho thấy Hội nghị lần này đã đặt nền móng cho các cuộc đàm phán cũng như tiến triển trong tương lai.

Kênh truyền hình Nhà nước Triều Tiên KRT hôm nay (1/3) cho biết, hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ quyết định tiếp tục có các cuộc đối thoại tích cực để giải quyết vấn đề đã được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Hà Nội, hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và đạt được những bước tiến lớn trong mối quan hệ Mỹ- Triều.

Phát thanh viên kênh truyền hình KRT cũng khẳng định, hai nhà lãnh đạo đã có các cuộc trao đổi xây dựng và chân thành về những vấn đề thực tế để mở ra một kỉ nguyên mới trong cải thiện quan hệ song phương.

Phát biểu với phóng viên trên chuyến bay từ Việt Nam sang Philippines, Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm qua (28/1) cho biết, Mỹ và Triều Tiên có thể tổ chức thêm các cuộc gặp sau Hội nghị. Ông bày tỏ hy vọng Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và phía Triều Tiên sẽ sớm phối hợp.

Ngoại trưởng Pompeo cũng cho rằng ông nhận thấy thiện chí giữa hai nhà lãnh đạo, do đó ông hy vọng các bên có thể sớm lên một kế hoạch cho các cuộc gặp tiếp theo. Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, có cơ sở để tin rằng Mỹ và Triều Tiên có thể tiến lên phía trước, mặc dù hai bên còn nhiều vấn đề phải giải quyết về đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa.

Hội nghị Thượng đỉnh 2 ngày tại Hà Nội kết thúc không có thỏa thuận có thể đem lại tiếc nuối cho những người dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Tuy nhiên việc hai nhà lãnh đạo luôn dành cho nhau những lời có cánh, thậm chí kể cả khi Tổng thống Trump kết thúc buổi họp báo, cùng với thiện chí đối thoại của hai bên sau cuộc gặp, cho thấy lộ trình chính trị thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên vẫn đang đi đúng hướng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga hoan nghênh mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tiếp tục tiến hành đối thoại song phương về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Theo phía Nga, việc giải quyết các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa, cần thời gian và sự kiềm chế tối đa của các bên liên quan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua (28/2) cũng hy vọng hai bên sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại để hiện thực hóa phi hạt nhân hóa và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Ông Lục Khảng nói: “Trong năm qua, vấn đề Bán đảo Triều Tiên đang đi đúng hướng trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị sau những thay đổi tích cực đang diễn ra. Các bước tiến là khó đạt được do đó chúng ta cần phải trân trọng. Các thực tế trong quá khứ cho thấy đối thoại là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Vì vậy chúng tôi hy vọng Mỹ và Triều Tiên có thể tiếp tục có thêm các cuộc đối thoại, thể hiện thành ý hướng đến nhau, trong khi vẫn tôn trọng những lo ngại hợp pháp của nhau để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và thiết lập cơ chế hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng hoan nghênh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, gọi đây là “hành động ngoại giao dũng cảm”. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres cho rằng, tiến trình đối thoại Mỹ- Triều là không hề dễ dàng và“hành động ngoại giao dũng cảm” của hai bên đã tạo nền tảng cho việc thúc đẩy hòa bình bền vững cũng như tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách toàn diện và có thể xác minh. Liên Hợp Quốc  bày tỏ hy vọng các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ tiếp tục được diễn ra.

Vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thời gian qua luôn chứng minh được những thách thức và khó khăn trong các cuộc đàm phán. Giới chuyên gia phân tích quốc tế vẫn có cái nhìn lạc quan sau Hội nghị tại Hà Nội, cho rằng các cuộc đối thoại này là "cần thiết" và đặt nền móng cho các cuộc đàm phán cũng như tiến triển trong tương lai./.