Hôm nay (4/4) tại thành phố Dinard, miền Tây nước Pháp khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh vào cuối tháng 8 tới.
Tuy nhiên, sự vắng bóng của người đứng đầu Ngành ngoại giao Mỹ Mike Pompeo lại trở thành minh chứng rõ ràng nhất cho sự chia rẽ ngày một lớn trong Nhóm những nền công nghiệp phát triển bậc nhất thế giới được hình thành từ năm 1975 này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo |
Cuộc gặp lần này của Ngoại trưởng các nước G7 diễn ra trong bối cảnh, thất bại của Hội nghị Thượng đỉnh cách đây 10 tháng tại Canada vẫn còn phủ bóng. Tuyên bố cuối cùng của hội nghị khi đó đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ chỉ vài giờ sau khi được công bố.
Và lần này, chính quyền Mỹ lại có phản ứng ngay từ khi hội nghị chưa bắt đầu, với thông báo Ngoại trưởng Mike Pompeosẽ không tới Pháp, mà chỉ cử đại diện. Nhiều nhà phân tích đã coi đây là minh chứng rõ ràng nhất cho mối chia rẽ ngày một lớn giữa Mỹ và châu Âu.
Bất đồng giữa hai bên hiện nay là rất nhiều. Dù rất muốn đưa vào những vấn đề của “thế giới mới” như an ninh mạng, chống bất bình đẳng, tới cuộc chiến chống buôn lậu tại khu vực cận Sahara, song chương trình nghị sự Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này vẫn chỉ có thể xoay quanh các cuộc khủng hoảng trên thế giới như tại Iran, Libya, Syria hay Venezuela. Đây đều là những chủ đề rất khó tìm kiếm tiếng nói chung giữa Mỹ và châu Âu. Kể từ khi chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch G7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nhiều lần nhấn mạnh tới tinh thần hợp tác của các nước thành viên.
“Tôi nghĩ rằng tinh thần hợp tác đã mạnh mẽ hơn tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này. Đó không phải là một nước chống lại những nước này, mà thực sự là nỗ lực thể hiện tinh thần hợp tác nhằm đối mặt với các mối đe dọa. Tuy nhiên, tinh thần hợp tác phải được nuôi dưỡng thông qua sự sẵn sàng, nỗ lực làm việc của các nước, chứ không phải chỉ dừng lại ở những cái bắt tay", ông Emmanuel Macron nói.
Từ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran tới sự gia tăng những cảnh báo đáp trả thương mại, Tổng thống Donald Trump đang thực sự thử thách sự gắn kết với các quốc gia thành viên khác. Sự vắng mặt của Ngoại trưởng Mike Pompeo tại đã đặt dấu hỏi về khả năng đối phó các thách thức toàn cầu của G7 và có lẽ câu trả lời sẽ trở nên rõ ràng hơn khi Mỹ đảm nhận vai trò Chủ tịch G7 vào năm sau.
Theo Giám đốc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp, ông Pascal Boniface, chưa bao giờ G7 lại có quá nhiều vấn đề như hiện nay: một Tổng thống Mỹ với khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết", một Chính phủ Italy theo đường lối dân túy, một nước Anh đang gần như bị dừng lại do tiến trình Brexit bế tắc và một nước Đức đang tìm mọi cách dành chiếc ghế đại diện cho EU tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Canada của Thủ tướng Justin Trudeau, cũng giống nước Pháp của Tổng thống Emmanuel Macron thì đang bị mắc kẹt bởi quá nhiều những vấn đề nội bộ ở trong nước.
G7 là một câu lạc bộ của những nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới, được thành lập từ năm 1975 theo sáng kiến của Pháp, nhằm thảo luận về kinh tế quốc tế và những thách thức chiến lược. Tuy nhiên, vai trò và tính chính đáng của nhóm này đang ngày càng khiến nhiều người hoài nghi. Theo Giám đốc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp, ông Pascal Boniface, gặp nhau và tham vấn vẫn luôn là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề, song G7 không còn giữ được hào quang vốn có và thậm chí có phần lép vế hơn so với nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) mang tính đa phương hơn.
Đây cũng là một lý do giải thích cho tham vọng của Pháp đặt cuộc chiến chống bất bình đẳng, cũng như châu Phi làm trọng tâm năm chủ tịch của mình. Tuy nhiên, với những gì mà G7 đang thể hiện, các nhà phân tích cho rằng khối này dường như đang đi chậm lại so với sự phát triển của thế giới và dù G7 tiếp tục hoạt động trên danh nghĩa đồng minh, song rõ ràng lợi ích nhóm đã bị suy giảm./.
G7: Nga phải có trách nhiệm làm rõ thảm kịch MH17
Việt Nam đóng góp tích cực tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng
Toàn cảnh chuyến thăm Canada và dự Hội nghị G7 của Thủ tướng