Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) hôm qua (11/4) nhóm họp tại Washington, Mỹ. Mặc dù có nhiều nguy cơ tác động đến sự ổn định tài chính và phục hồi nền kinh tế toàn cầu, nhưng các đại biểu đều bày tỏ tin tưởng rằng có thể  đáp ứng được mục tiêu đầy tham vọng tăng tốc độ phát triển toàn cầu lên 2% trong 5 năm tới. 

Nhóm G20 cho rằng mục tiêu trên là thực tế và có thể đạt được thông qua tăng cường đầu tư, tạo thêm việc làm và thúc đẩy thương mại trong những năm tới. Thông cáo đưa ra sau cuộc họp nêu rõ: Triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu được tăng cường trong năm 2014 nhưng vẫn còn chậm chạp do đối mặt với nhiều nguy cơ.

Để đạt được tham vọng tăng trưởng đưa GDP toàn cầu lên 2%, các nước cần phải cam kết đưa ra các hành động mới như thực hiện các cam kết trước đó, giải quyết bất đồng trong chính sách, đạt được sự linh hoạt trong tỉ lệ lãi xuất, tăng cường tiềm năng phát triển, tạo ra sự tác động tích cực giữa các nền kinh tế cũng như nền kinh tế thế giới. Các nước đều nhận thức rằng phải đưa ra những quyết định trong việc cải cách chính sách thị trường lao động và đối phó với thâm hụt ngân sách. Dự kiến các nước sẽ đưa ra đề xuất cụ thể tại cuộc họp tại Australia vào tháng 9 tới, chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao G20 diễn ra vào tháng 11 tại Brisbanre.

Mặc dù thông cáo đưa ra thể hiện sự lạc quan đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng các Bộ trưởng tài chính cũng nhấn mạnh đến sự bất đồng vẫn còn tồn tại để đạt được mục tiêu đó, bao gồm chính sách lãi suất ngân hàng trung ương và sự đồng thuận trong các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Các đại biểu thừa nhận, để đạt được các mục tiêu cải cách kinh tế cần đi kèm với sự ổn định chính trị.

Tại cuộc họp, Mỹ cũng phải đối mặt với những chỉ trích việc quốc hội nước này trì hoãn thông qua kế hoạch đóng góp 63 tỷ USD cho Quĩ tiền tệ quốc tế để triển khai chương trình cải tổ tổng thể của một thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới. Chương trình cải cách IMF được đưa ra năm 2010, trao cho tổ chức này nhiều nguồn lực hơn để giúp các nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, cũng như tạo nhiều quyền hơn cho các nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey cảnh báo, nếu Mỹ tiếp tục trì hoãn, IMF có thể xem xét những lựa chọn khác để thúc đẩy cải cách: “Chúng tôi thất vọng về việc Mỹ tiếp tục trì hoãn thúc đẩy những cải cách này. Tôi hối thúc Mỹ cần phải thông qua quyết định này ngay lập tức. Tại cuộc họp, chúng tôi nhất trí tiếp tục ưu tiên thông qua các cải cách đặt ra năm 2010 tại quốc hội Mỹ. Nhưng chúng tôi cũng quyết định nếu các cải cách không được phê chuẩn vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ phải tìm kiếm một lựa chọn thay thế để cải thiện hoạt động của IMF”.

Bên cạnh vấn đề tăng trưởng và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, các đại biểu cũng thảo luận những khó khăn kinh tế của Ukraine có thể gây nên những nguy cơ đối với sự ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu. Các nước ủng hộ gói cho vay 14 đến 18 tỉ USD của Quĩ tiền tệ quốc tế cho Ukraine để giúp nước này vượt qua khó khăn hiện nay. Dự kiến chương trình hỗ trợ của IMF cho Ukraine sẽ được ban giám đốc thông qua vào cuối tháng này hoặc đầu tháng 5 tới. Cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương G20 diễn ra trước thềm cuộc họp thường niên của Quĩ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới. Theo các nước G20, Quĩ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới vẫn là địa chỉ tin cậy để giúp các nước đối phó với các thách thức kinh tế thông qua chính sách tư vấn và hỗ trợ tài chính./.