Các nước thành viên Hội đồng Bảo an cho rằng tiến trình chuyển tiếp thể hiện sự ổn định nhưng cũng đầy thách thức đối với quốc gia tiếp nhận lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, do đó cần được lên kế hoạch và thực hiện một cách thận trọng với sự tham gia của các bên liên quan, song song với việc bảo đảm nguồn lực.

Các nước cũng cho rằng trách nhiệm chủ đạo trong tiến trình chuyển tiếp thuộc về quốc qia tiếp nhận. Một số nước đề cập cần bảo đảm sự tham gia của phụ nữ, thanh niên, giải quyết cùng lúc các thách thức hòa bình, an ninh và phát triển, bảo vệ môi trường, bảo vệ thường dân, tránh xung đột tái diễn và rút kinh nghiệm từ các bài học chuyển tiếp đã có nhằm định hướng tốt hơn trong tương lai.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cho rằng tiến trình chuyển tiếp là giai đoạn hết sức quan trọng, thể hiện nỗ lực và sự sẵn sàng của quốc gia hậu xung đột hướng tới hòa bình bền vững, lâu dài, tuy nhiên cũng mang lại thách thức khi như suy giảm nguồn lực quốc tế, bất ổn kinh tế-xã hội, thiếu sự phát triển và các nguyên nhân xung đột tồn tại.

Trong bối cảnh đó, Đại sứ nhấn mạnh sự cần thiết bảo đảm tiến trình chuyển tiếp do quốc gia làm chủ, phù hợp với bối cảnh đặc thù quốc gia, với sự hỗ trợ của LHQ và cộng đồng quốc tế, đồng thời bảo đảm sự tiếp nối và tính bền vững của thành tựu đã đạt được và phát huy vai trò, hợp tác với các tổ chức khu vực và tiểu khu vực. Đại sứ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường thảo luận về chủ đề này nhằm bảo đảm tiến trình chuyển tiếp hiệu quả, thành công, vì hòa bình, ổn định và phát triển của các quốc gia và người dân./.