Các nước thành viên Liên Hợp Quốc đều thừa nhận tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các cơ quan chính của Liên Hợp Quốc về ngoại giao phòng ngừa, nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, đặc biệt là các thách thức mới nổi hiện nay, do đó cần củng cố sự phối hợp, hành động chung và tăng cường trao đổi giữa các cơ quan chính của Hội đồng Bảo an trong phòng ngừa xung đột.
Nhiều nước cũng nhấn mạnh sự cần thiết xử lý các nguyên nhân gốc rễ xung đột, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực, tiểu khu vực và hoan nghênh vai trò của Ủy ban xây dựng hòa bình (GGHB). Một số nước kêu gọi chú trọng yếu tố quốc gia làm chủ, tôn trọng các nguyên tắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, tăng cường năng lực cảnh báo sớm, chủ nghĩa đa phương, trung gian, đề cao pháp quyền và bảo đảm quyền con người. Việc bảo đảm hoạt động của các cơ quan chính Liên Hợp Quốc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ như quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng là nội dung được nhiều đại biểu đề cập.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Đại biện lâm thời của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, cho rằng tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chính hiện nay, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Đại sứ Phạm Hải Anh cho rằng để tập trung thực hiện tốt mục tiêu của Hiến chương Liên Hợp Quốc về phòng ngừa và ứng phó các thách thức đối với hoà bình và an ninh quốc tế, các nước thành viên cũng như các cơ quan Liên Hợp Quốc cần cùng tăng cường nỗ lực phòng ngừa xung đột bằng các biện pháp phù hợp, đặc biệt qua việc thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình, đề cao văn hóa hòa bình, xây dựng lòng tin và thiết lập quan hệ hữu nghị, thân thiện giữa các quốc gia...
Đại diện Việt Nam cũng cho rằng nỗ lực phòng ngừa xung đột đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện nhằm xử lý các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, trong đó cần có sự hợp tác giữa các cơ quan chính của Liên Hợp Quốc trên các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình và trên cơ sở tham vấn đầy đủ với các nước thành viên.
Trong lĩnh vực này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã vận dụng nhiều công cụ hiệu quả, nhất là về trung gian và hỗ trợ, được sự ủng hộ rộng rãi. Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh ưu thế của các tổ chức khu vực, tiểu khu vực trong ngoại giao phòng ngừa, góp phần ngăn ngừa xung đột và khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chung để bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế cũng như phòng ngừa xung đột./.