15 thành viên Hội đồng Bảo an đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về nguy cơ tình hình nhân đạo trở nên tồi tệ hơn ở vùng Đông Bắc Syria và việc các tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trốn thoát.
Miền bắc Syria. Ảnh: Slate. |
Trong một tuyên bố ngắn gọn sau cuộc họp lần thứ 2 kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự vào Đông Bắc Syria khiến hàng chục nghìn dân thường phải đi lánh nạn, Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 10, Đại sứ Nam Phi Matthews Matjila nói: "Hội đồng Bảo an bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước nguy cơ những kẻ khủng bố được Liên Hợp Quốc liệt kê bao gồm nhóm "Nhà nước Hồi giáo"trốn thoát và phân tán. Hội đồng Bảo an cũng lo ngại về nguy cơ làm xấu thêm tình hình nhân đạo ở Syria”.
Sau cuộc họp, Mỹ, Trung Quốc, và 5 nước châu Âu trong Hội đồng Bảo an đã có những tuyên bố riêng rẽ, trong đó kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tấn công tại Syria. Trong một tuyên bố chung, các nước Bỉ, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc đảm bảo an toàn cho các trại giam giữ các tay súng nhóm Nhà nước Hồi giáo, khẳng định điều này đóng vai trò quan trong việc ngăn các tay súng gia nhập các nhóm khủng bố.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức chấm dứt các hành động quân sự. Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft kêu gọi: "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các bước quan trọng sau: chấm dứt việc suy yếu chiến dịch chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, chấm dứt gây nguy hiểm cho dân thường, ngừng đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, ngừng tấn công và tuyên bố ngừng bắn ngay lập tức."
Hiểm họa đối với Mỹ từ việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria
Phát biểu với báo giới, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho rằng Hội đồng Bảo an nên xem xét các mặt khác của cuộc khủng hoảng tại Syria, thay vì chỉ tập trung vào chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cho biết Nga hiểu được mối quan ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, song cho rằng chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ cần phải tương xứng với mục tiêu mà nước này tuyên bố.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã biện minh cho hành động của mình theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó bao gồm quyền cá nhân hoặc tập thể để tự vệ chống lại cuộc tấn công vũ trang.
Trong một lá thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rằng hoạt động quân sự của nước này tại miền Bắc Syria là tương xứng, có tính toán và có trách nhiệm.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành từ ngày 9/10 vừa qua, sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi một phần khu vực biên giới ở Đông Bắc Syria. Chiến dịch tấn công đã làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới về một cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố. Chỉ riêng trong ngày 16/10, ước tính khoảng 800 người tị nạn Syria, trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em đã tới khu vực tự trị người Kurd của Irắc. Những người này đã được chuyển tới trại Berdarch ở tỉnh Dohuk./.