Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ tọa của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, nước đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 4. Trong khi Mỹ cảnh báo nguy cơ xung đột và đưa ra những ngôn từ cứng rắn lên án chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thì Nga và Trung Quốc lại tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời ủng hộ giải pháp ngoại giao đối với vấn đề này.
Tại phiên họp, lần lượt đại diện của 15 quốc gia ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã có bài phát biểu tập trung vào vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và việc thực thi các nghị quyết liên quan của cơ quan này.
Tất cả các bài phát biểu đều bày tỏ quan ngại trước tình trạng căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên bắt nguồn từ các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và những nỗ lực đối phó theo hướng "ăn miếng trả miếng" của một số quốc gia liên quan.
Với ngôn từ cứng rắn, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang là một trong những vấn đề cấp bách nhất của thế giới, đồng thời nhấn mạnh nếu không xử lý vấn đề này ngay lập tức thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Ông Tillerson cảnh báo, với mỗi vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa thành công, Triều Tiên đang đẩy khu vực Đông Bắc Á và thế giới gần hơn với sự bất ổn và xung đột lan rộng. Mối đe dọa tấn công hạt nhân của Triều Tiên đối với Nhật Bản và Hàn Quốc là có thật. Và đó cũng chỉ là vấn đề thời gian trước khi Triều Tiên phát triển loại vũ khí có thể tấn công lục địa Mỹ.
Ông Tillerson cũng hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có biện pháp đối phó trước khi Triều Tiên kịp hành động: “Thất bại trong việc giải quyết vấn đề an ninh cấp bách nhất trên thế giới có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc.
Chính sách kiên nhân chiến lược đã kết thúc. Càng kiên nhẫn lại càng chứng tỏ rằng chúng ta chấp nhận chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng gia tăng đã đến lúc tất cả chúng ta cần tạo sức ép mới buộc Triều Tiên từ bỏ con đường nguy hiểm mà nước này đã lựa chọn”.
Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc áp đặt biện pháp trừng phạt, ngừng hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Ông Tillerson khẳng định, nước này sẽ không ngần ngại áp đặt lệnh trừng phạt lên những cá nhân hay tổ chức bên thứ ba có quan hệ với Bình Nhưỡng.
Trước tuyên bố của phía Mỹ, Nga và Trung Quốc cũng ra lời kêu gọi Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa, song khẳng định đối thoại và đàm phán là phương án đúng đắn duy nhất để duy trì hòa bình trong khu vực. Hai nước cũng phản đối việc sử dụng vũ lực, cho rằng giải pháp này không giúp giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mà sẽ chỉ dẫn đến những thảm họa nghiêm trọng hơn.
Phát biểu với cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho biết, những lời lẽ cứng rắn đi kèm với việc phô trương sức mạnh một cách khinh suất đã dẫn tới tình huống mà cả thế giới đang nghiêm túc tự hỏi liệu sẽ có một cuộc chiến tranh hay không. Theo ông, các bên cần suy nghĩ một cách thấu đáo bời một bước đi sai lầm có thể dẫn đến những hậu quả đáng sợ nhất.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là chấm dứt việc tranh cãi xem bên nào nên có động thái trước, mà thay vào đó tìm cách chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Ngoại trưởng Trung Quốc hối thúc các nước liên quan "hạ nhiệt" và kiềm chế trong vấn đề Triều Tiên.
“Hiện tại, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng căng thẳng và ở thời điểm vô cùng cấp bách, khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải tổ chức phiên họp này.
Về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Trung Quốc cũng tỏ rõ lập trường theo hai hướng chính, đầu tiên là thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và thực hiện hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Hai là duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực này, không để hỗn loạn hay chiến tranh xảy ra. Đối thoại và đàm phán là sự lựa chọn khả thi và đúng đắn nhất”, ông Vương Nghị nhấn mạnh.
Cùng ngày, phát biểu sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ở thăm Anh, Thủ tướng Anh Theresa May nêu rõ, các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh trên toàn thế giới. Nhà lãnh đạo này cho biết, cả Anh và Nhật Bản đều nhất trí sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế để gia tăng sức ép đối với Triều Tiên, chống lại mối đe dọa về an ninh do chương trình hạt nhân của Triều Tiên gây ra và nỗ lực làm việc để tiến tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang thời gian gần đây sau các vụ phóng tên lửa của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và những phản ứng mạnh mẽ từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Trong tháng này, Mỹ đã điều nhiều vũ khí chiến lược tới bán đảo Triều Tiên, trong đó có tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson, để tiến hành một cuộc huấn luyện quy mô lớn. Trong khi đó, Triều Tiên liên tục lên án hành động của Mỹ cùng các đồng minh và tuyên bố sẽ “ra đòn đáp trả bằng tấn công phủ đầu”.
Tuy nhiên, bất chấp không khí căng thẳng như sắp có một “cơn bão đổ bộ” này, giới quan sát vẫn cho rằng, khó xảy ra một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên bởi các bên đều nhận thức được những hậu quả kinh hoàng nếu có chiến tranh.
Trong thông báo đưa ra ngày 28/4 nhằm trấn an người dân Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng Tổng thống Donald Trump hiểu được mối đe dọa chiến tranh với Triều Tiên và đang huy động sẽ sử dụng mọi biện pháp chính trị, ngoại giao và kinh tế để ngăn chặn nguy cơ này. Trước đó ngày 26/4, truyền thông Triều Tiên cho biết, Triều Tiên là “quốc gia yêu chuộng hòa bình hơn bất cứ nước nào khác"./.
Triều Tiên lên tiếng đáp trả hải quân Mỹ điều tới bán đảo Triều Tiên