Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết, 9 nước gồm Mỹ, Albani, Brazil, Pháp, Ireland, Na Uy, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Anh và Nhật Bản, tức là hơn một nửa thành viên Hội đồng Bảo an đã đồng loạt chỉ trích các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. Tuyên bố của các nước này cho rằng, các vụ phóng liên tiếp là sự vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an và gây bất ổn trong khu vực. Tuy nhiên, bà Greenfield bày tỏ lấy làm tiếc khi Hội đồng Bảo an không đưa ra được tuyên bố chung giữa các nước thành viên Hội đồng Bảo an.
"Cái giá của sự im lặng là quá cao. Điều này sẽ khuyến khích Triều Tiên tiếp tục vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và gây bất ổn khu vực, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Đây là kết quả mà chúng ta không thể chấp nhận. Tôi kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an đóng vai trò tích cực trong việc thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an giải quyết vấn đề Triều Tiên, buộc Triều Tiên từ bỏ các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo theo hướng không thể đảo ngược và minh bạch”, bà Greenfield cho hay.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết, Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên mà không kèm điều kiện. Tuy nhiên trước khi tiến hành đàm phán với Triều Tiên, Mỹ cần cảm nhận được thành ý của Bình Nhưỡng. Trong khi chờ đợi, Mỹ sẽ vẫn duy trì áp lực với quốc gia Đông Bắc Á này.
Đáp lại tuyên bố của Mỹ, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân cho rằng Hội đồng Bảo an không nên xem các vụ phóng của Triều Tiên là một vụ việc mang tính biệt lập mà cần có một cái nhìn toàn cảnh về vấn đề. Trong vài năm qua, thế giới luôn chứng kiến những vòng xoáy lặp lại: đối đầu, chỉ trích, sau đó lại tiếp tục là chỉ trích, đối đầu và trừng phạt. Theo Đại sứ Trung Quốc, một dự thảo nghị quyết sẽ không thể giải quyết vấn đề. Hội đồng Bảo an và cụ thể là Mỹ - một trong các bên tham gia đàm phán với Triều Tiên cần làm điều gì đó tạo điều kiện cải thiện tình hình và tránh làm leo thang căng thẳng. “Giải pháp để giải quyết vấn đề nằm trong tay Mỹ. Mỹ là một bên trực tiếp tham gia đàm phán về tình hình Triều Tiên. Nếu họ muốn thấy đột phá, họ nên chân thành và linh hoạt”.
Đây là cuộc họp kín lần thứ 3 của Hội đồng Bảo an về vấn đề Triều Tiên kể từ đầu năm nay. Các cuộc họp trước cũng không thể ra được tuyên bố chung do bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh từ đầu tháng 1 năm nay, Triều Tiên đã tiến hành 7 vụ phóng thử tên lửa, trong đó có 6 vụ phóng tên lửa đạn đạo. Mới đây nhất, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận nước này đã phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm trung xa Hwasong-12 trong ngày 30/1. Mỹ đã đề xuất một tuyên bố lên án các vụ phóng này, nhưng Trung Quốc và Nga, cùng với nhiều nước khác, không đồng ý ký vào đề xuất.
Từ lâu nay, Triều Tiên vẫn cho rằng các vụ thử tên lửa của nước này là quyền tự vệ chính đáng và cáo buộc Mỹ cố tình gây căng thẳng bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Triều Tiên cũng khẳng định, việc nước này gần đây phát triển một “vũ khí kiểu mới” chỉ là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa khả năng phòng thủ quốc gia và không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào hoặc gây tổn hại đến an ninh của các nước láng giềng./.