Vụ tấn công đã một lần nữa gây rúng động cộng đồng thế giới và phủ bóng đen lên những nỗ lực đang được triển khai nhằm thúc đẩy một tiến trình hòa bình cho quốc gia Trung Đông này sau hơn 6 năm nội chiến dai dẳng.
100 người, trong đó có cả trẻ em đã thiệt mạng và 400 người khác bị ảnh hưởng trong vụ không kích tình nghi sử dụng chất độc tại thị trấn Khan Sheikhun, Tây Bắc Syria do quân đối lập kiểm soát.
Những con số mới nhất được Liên minh các tổ chức cứu trợ công bố và được cơ quan y tế tỉnh Idlib xác nhận đã gây chấn động khắp thế giới, nhưng cũng giống như những lần trước đó, sự thật về thảm họa này và ai đứng đằng đó thì vẫn là một câu hỏi và không biết đến bao giờ mới có thể được trả lời.
Một đoạn băng ghi hình do các nhà hoạt động nhân đạo ghi lại được cho thấy, chỉ có duy nhất một máy bay hoạt động tại thị trấn vào thời điểm này và không kích nhằm vào nhiều mục tiêu trước khi những cột khói bốc lên.
Trong khi đó, những hình ảnh phát đi trên mạng xã hội Twitter cho thấy cảnh rất nhiều trẻ em thiệt mạng hoặc bất tỉnh, không phản ứng với ánh sáng. Một bác sĩ có mặt tại khu vực đã xác nhận dường như đây là những nạn nhân của một vụ tấn công bằng khí sarin. Ít nhất 15 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em đã được đưa tới Thổ Nhĩ Kỳ để điều trị sau vụ tấn công.
Nhiều người trong số này vẫn chưa hết bàng hoàng: “Vụ tấn công xảy ra lúc khoảng 6-7h sáng, lúc đó cả gia đình tôi đang ngủ. Chúng tôi đã nghe thấy một tiếng nổ rất lớn. Tôi cảm thấy chóng mặt và buồn nôn. Tôi không còn nhớ mọi chuyện sau đó thế nào”.
Theo yêu cầu của Mỹ, Anh và Pháp, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay triệu tập một cuộc họp khẩn nhằm thảo luận về vụ tấn công tình nghi sử dụng vũ khí hóa học. Những nước này cũng đã trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một dự thảo nghị quyết lên án vụ tấn công, cũng như yêu cầu Chính phủ Syria phải hợp tác đầy đủ với các nhà điều tra quốc tế.
Cảnh tượng hãi hùng từ cuộc tấn công bằng khí độc ở Syria
Trước đó ngày 4/4, Liên minh dân tộc Syria, tập hợp các lực lượng đối lập chính cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an tổ chức họp khẩn và tiến hành một cuộc điều tra. Phe đối lập Syria cáo buộc chính quyền Syria tiến hành không kích thành phố Khan Sheikhun với những đầu đạn chứa chất độc hóa học.
Quân đội Syria đã ngay lập tức phủ nhận các cáo buộc, đồng thời khẳng định không bao giờ sử dụng loại vũ khí độc hại này “vào bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ khu vực nào và cũng sẽ không hành động như vậy trong tương lai”.
Dù cuộc tranh cãi về việc ai phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công này sẽ còn kéo dài, song theo các nhà phân tích, một điều chắc chắn rằng sự kiện khủng khiếp này đã đẩy cuộc khủng hoảng Syria lên một nấc thang nguy hiểm mới, một lần nữa cho thấy, cộng đồng quốc tế dường như đã hòan toàn bất lực trước lò lửa xung đột này.
Những bế tắc trong cuộc khủng hoảng Syria vẫn như vậy trong suốt hơn 6 năm qua và vụ tấn công bằng vũ khí hóa học này được xem là một biến tướng hết sức nghiêm trọng.
Ông Olivier Money, Giám đốc truyền thông Ủy ban cứu trợ quốc tế cho biết: “Hãy nhớ rằng, chúng ta đang trong năm thứ 7 của cuộc khủng hoảng Syria và đây là một cuộc xung đột đang di căn, nó đang thay đổi về hình thức, với sự trỗi dậy của IS và tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda. Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ngoại giao phức tạp. Vì vậy việc giải quyết vấn đề này sẽ vô cùng khó khăn”.
Thế giới phẫn nộ về vụ tấn công man rợ bằng khí độc tại Syria
Chính phủ Syria đã thông qua hiệp ước cấm vũ khí hóa học năm 2013, đồng ý phá hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học của mình, dưới sự giám sát của một phái bộ chung giữa Liên Hợp Quốc và Tổ chức cấm vũ khí hóa học.
Phần lớn kho vũ khí được chính phủ Syria khai báo, tức khoảng 1.300 tấn chất hóa học độc hại đã được đưa ra khỏi nước này để tiêu hủy, sau một thỏa thuận Nga-Mỹ. Văn kiện đã cho phép tránh một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ sau khi Chính phủ Syria bị cáo buộc đã sử dụng khí sarin trong một vụ tấn công làm 1.400 người thiệt mạng.
Trong một thông báo, Tổ chức cấm vũ khí hóa học đã bày tỏ lo ngại về vụ tấn công, đồng thời khẳng định đang thu thập và phân tích thông tin từ mọi nguồn có thể.
Có thể thấy, ngoài việc làm hằn sâu hơn sự thù hận chia rẽ trong quốc gia này, mức độ nguy hiểm còn ở chỗ vũ khí hóa học, một trong những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, gây sát thương lớn cho con người vẫn đang được sử dụng ở phạm vi rộng dù rất nhiều cam kết đã được đưa ra.
Điều nguy hiểm là trong tình trạng hỗn loạn hiện nay, loại vũ khí này hoàn toàn đã có thể lọt vào tay những lực lượng không thể kiểm soát, trong đó có lực lượng cực đoan và khủng bố, một hệ lụy đáng báo động nảy sinh từ cuộc khủng hoảng không lối thoát tại Syria./.
Tấn công bằng khí độc ở Syria: 100 người chết, 400 người bị thương