Tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an đều đánh giá cao nỗ lực của ASEAN trong việc thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình trong vấn đề Myanmar, mong muốn Đặc phái viên của ASEAN sớm vào Myanmar để thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy đối thoại, trong đó có việc xây dựng lòng tin, sự tin cậy và kết nối với các bên liên quan ở Myanmar.
Nhiều nước tiếp tục bày tỏ quan ngại về các vụ tấn công, bạo lực và kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt bạo lực, tổ chức đối thoại bao trùm và có ý nghĩa để giải quyết vấn đề. Các nước mong muốn Đặc phái viên của ASEAN và Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ phối hợp chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau trong các nỗ lực thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Myanmar.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar, đặc biệt về các cuộc đụng độ bạo lực giữa các bên, việc phá hủy các văn phòng và cơ sở hạ tầng dân sự và làn sóng Covid-19 lần thứ 3. Đại sứ cho rằng các hành động bạo lực vẫn đang tiếp tục diễn ra và cướp đi sinh mạng của nhiều người; nếu không chấm dứt ngay bạo lực, các nỗ lực ổn định, đối thoại và hòa giải sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Đại sứ nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là tất cả các bên ở Myanmar phải đảm bảo an toàn, an ninh và sức khỏe cho người dân, đảm bảo quyền tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở cho tất cả mọi người, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương cũng như ưu tiên phòng chống, kiểm soát Covid-19 và điều trị những người bị nhiễm bệnh. Trên cơ sở đó, Đại sứ Đặng Đình Quý thúc giục các bên liên quan ở Myanmar thực hiện kịp thời và đầy đủ Đồng thuận 5 điểm đạt được tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 4 năm 2021, trong đó có việc tiến hành các cuộc đối thoại có ý nghĩa nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình toàn diện và lâu dài vì lợi ích của người dân Myanmar.
Về tìm kiếm giải pháp cho tình hình Myanmar, Đại sứ Đặng Đình Quý nhắc lại tình hình ở Myanmar rất phức tạp với nhiều nguyên nhân lịch sử sâu xa, do đó, việc tìm kiếm một giải pháp là một quá trình khó khăn và lâu dài cần được xử lý một cách thận trọng và phù hợp. Quá trình này cần sự cam kết mạnh mẽ, trách nhiệm và nỗ lực xây dựng từ tất cả các bên liên quan ở Myanmar.
Trong bối cảnh đó, Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế, trước hết, cần thúc đẩy một cách tiếp cận toàn diện, hợp tác và mang tính xây dựng thông qua các biện pháp kết nối, tin cậy lẫn nhau và xây dựng lòng tin. Cộng đồng quốc tế cũng cần tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm và hỗ trợ các nỗ lực của khu vực, trong đó có chuyến thăm Myanmar sắp tới của Đặc phái viên và phái đoàn của ASEAN. Trong tất cả các quá trình này, cần tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Myanmar.
Nhân dịp này, Đại sứ cũng chia sẻ các nỗ lực của ASEAN trong thời gian gần đây, cho rằng ASEAN và các nước thành viên đã và đang nỗ lực hết sức để giảm bớt vấn đề nhân đạo, chấm dứt bạo lực ở Myanmar và hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng. Đại sứ kêu gọi các thành viên HĐBA và cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ thiết thực cho những nỗ lực của ASEAN trong những thời điểm khó khăn này, thông qua việc hỗ trợ nhân đạo, hỗ trợ y tế và viện trợ vaccine tại Hội nghị hỗ trợ Myanmar dự kiến tổ chức vào ngày 18/8/2021, cũng như thông qua Trung tâm Điều phối Hỗ trợ Nhân đạo về Quản lý Thiên tai của ASEAN./.