Cuộc khảo sát về sức khoẻ tâm thần được thực hiện trong 1 tuần trên hơn 2000 sinh viên cho thấy 30% người được hỏi cho biết họ cảm thấy lo lắng và căng thẳng hơn kể từ khi các lớp học được chuyển sang hình thức trực tuyến. Trong khi đó có tới 17% số sinh viên cảm thấy họ kiệt quệ về mặt tinh thần khi phải học online. Cuộc khảo sát cũng được thực hiện ở lứa tuổi học sinh cho thấy kết quả còn nghiêm trọng hơn khi các em cảm thấy lo lắng và mệt mỏi nhiều gấp 3 lần đối với đối tượng sinh viên.

Tiến sỹ Amporn Benjaponpitak, Cục trưởng cục sức khoẻ tâm thần cho biết, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ tâm thần của trẻ em Thái Lan, đặc biệt các em phải dành rất nhiều thời gian cho các lớp học trực tuyến. Hầu hết các vấn đề sức khoẻ tâm thần đều bắt nguồn từ những hạn chế đối với đời sống xã hội vì trường học đã đóng cửa 4 tháng. Điều đó có nghĩa là sự tương tác của học sinh chỉ giới hạn trong các lớp học trực tuyến.

Việc sinh viên, học sinh rất mệt mỏi khi học trực tuyến tại Thái Lan cũng là phản ánh của nhiều bậc phụ huynh. Chị Pick, một phụ huynh tại Bangkok cho biết: “Rất mệt mỏi, con học online không hiểu gì cả, thời gian sử dụng máy tính, internet rất nhiều, con học không tập trung, có khi cả bố và mẹ đều phải giúp đỡ con nên không thể làm việc gì khác”.

Tuy nhiên, một số phụ huynh khác lại cho rằng, nếu không học online thì không có biện pháp nào khác khi trường chưa thể mở cửa vì Covid-19, nếu nghỉ học hoàn toàn thì học sinh, đặc biệt là các lớp nhỏ sẽ quên hết kiến thức. Anh A-phum, một phụ huynh khác cho biết: “Nếu nghỉ học 1-2 tháng còn được, chứ nghỉ học lâu, đến cả một năm thì sẽ quên hết kiến thức. Tôi nghĩ điều đó là không tốt”.

Trước việc học sinh, sinh viên quá căng thẳng vì phải học online trong thời gian dài, cục sức khoẻ tâm thần Bộ Y tế Thái Lan đưa ra lời khuyên cha mẹ nên nói chuyện với con cái về vấn đề này cũng như mở các đường dây tư vấn qua điện thoại hoặc mạng xã hội để giúp đỡ những học sinh, sinh viên cảm thấy lo lắng.

Thái Lan dự kiến sẽ mở cửa trở lại trường học khi học kỳ 2 bắt đầu vào tháng 11 tới sau hơn 4 tháng đóng cửa. Tuy nhiên, điều kiện kiên quyết đó là ít nhất 85% số nhân viên trường học cũng như học sinh phải được tiêm chủng đầy đủ. Thái Lan cũng đưa ra chương trình “khu vực an toàn trường học” và khuyến khích các bậc cha mẹ cho phép con mình được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn tỏ ra e ngại với tác dụng phụ của vaccine, nhất là với trẻ nhỏ.

Hiện tại, Thái Lan đã triển khai chương trình tiêm vaccine cho học sinh từ 12 tới 17 tuổi và đã có 40,000 liều Pfizer được tiêm ở 15 tỉnh, thành. Ngoài ra, có 3,77 triệu học sinh trong độ tuổi trên đã đăng ký tiêm chủng tương đương 74,4% số học sinh trên toàn quốc. Thái Lan dự kiến con số này sẽ đạt được 80% trong những ngày tới. Ngoài ra, Thái Lan cũng đã lên kế hoạch tiêm chủng cho học sinh lứa tuổi nhỏ hơn, từ 3 tới 11 tuổi vào năm sau song vẫn chưa tìm ra loại vaccine phù hợp./.