Một số người mang theo hoa để tưởng nhớ một người thiệt mạng trong cuộc biểu tình hồi giữa tuần. Số khác giương biểu ngữ "Đừng bắn, chúng tôi là người Hong Kong" để tránh lặp lại bạo lực làm rung chuyển Hong Kong hôm 12/6 khi cảnh sát dùng đạn khói và hơi cay giải tán đám đông biểu tình.

Một nhóm nhân viên y tế được huy động tới hiện trường khi nhiều người ngất xỉu dưới cái nắng 30 độ C.

Bất chấp nắng nóng gay gắt, nhiều người vẫn hừng hực khí thế di chuyển từ Công viên Victora tới văn phòng chính quyền Hong Kong.

170427-1.jpg

Người biểu tình Hong Kong tiếp tục xuống đường ngày 16/6. Ảnh: SCMP

Cuộc biểu tình diễn ra chỉ một ngày sau khi Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam tuyên bố hoãn vô thời hạn dự luật cho phép dẫn độ tội phạm từ vùng lãnh thổ này sang Trung Quốc đại lục xét xử.

"Sau 2 ngày cân nhắc, chính quyền quyết định hoãn dự luật dẫn độ, khởi động lại việc thảo luận về dự luật với tất cả các khu vực trong xã hội. Chúng tôi sẽ giải thích kỹ lưỡng và lắng nghe nhiều hơn các quan điểm khác nhau trong xã hội", bà Lam nói trong buổi họp báo, thừa nhận các chính sách liên quan tới chính quyền đại lục đều có nguy cơ tạo ra xung đột. 

Chính quyền của bà Lam được cho là đang chia rẽ vì dự luật dẫn độ trong khi bản thân bà cũng đang phải đối mặt với áp lực từ chức. 

Khi được hỏi về khả năng rời bỏ vị trí hiện tại, bà Lam từ chối trả lời mà chỉ nói rằng bản thân rất buồn vì gây ra các tranh cãi trong xã hội, đồng thời kêu gọi công chúng cho bà và các các quan chức khác trong chính quyền thêm một cơ hội vì bà còn rất nhiều việc muốn làm.

Câu trả lời này của bà Lam không đủ sức xoa dịu dư luận. 

"Bà Carrie Lam từ chối xin lỗi ngày hôm qua. Thật không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ rằng bà ấy chỉ tạm hoãn thông qua dự luật để chúng tôi bình tâm trở lại", Catherine Cheung, 16 tuổi tỏ ra bức xúc.

Ảnh: SCMP

Bạn cùng lớp Chueng, Cindy Yip có cùng quan điểm: "Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn yêu cầu hủy dự luật. Chúng tôi không tin bà ấy nữa. Bà ấy phải từ chức."

 Ảnh: SCMP 

Ảnh: SCMP  

Dự luật dẫn độ nếu được thông qua sẽ cho phép dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang Đài Loan, Macau và Trung Quốc đại lục. Giới chức Hong Kong cho rằng động thái này sẽ chính thức bít lại cái mà họ gọi là “kẽ hở” biến Hong Kong trở thành thiên đường cho tội phạm từ Đại lục trú ẩn.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng dự luật dẫn độ có thể sẽ đe dọa luật pháp Hong Kong và danh tiếng quốc tế của trung tâm tài chính châu Á. Theo Reuters, một số nhà tài phiệt Hong Kong đã bắt đầu chuyển tài sản cá nhân của mình ra nước ngoài sau các tranh cãi liên quan tới dự luật dẫn độ./.