>> Xem Kỳ 1: Xung đột ở Ukraine là diễn biến cuối cùng trong sự “tan rã kéo dài của Liên Xô”

Các tranh chấp lãnh thổ nan giải và tính năng động giảm dần

Thứ nhất, trong một thời gian dài, không một nhân tố nước ngoài nào có các yêu sách an ninh căn bản đối với đường phía Nam của biên giới Liên Xô cũ, nhưng ý đồ của Nga về duy trì ảnh hưởng quân sự và chính trị ở phía Tây và Tây Nam không gian hậu Xô viết được cảm nhận rõ ràng hơn từ ít nhất là giữa thập niên 1990. Ngoài ra, trong 30 năm qua, Nga còn tích lũy một số lượng lớn vấn đề liên quan tới các lãnh thổ không được công nhận một phần hoặc hoàn toàn (như Abkhazia và Nam Ossetia, “các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk”, Transnistria, và Nagorno-Karabakh). Các vấn đề này đều ít nhất biến thành trở lực đối với Nga, cả về khía cạnh tương tác với láng giềng lẫn khía cạnh hợp tác với phương Tây.

Thứ hai, Nga có thể trợ giá giúp các nước láng giềng khi nhập khẩu dầu khí và các mặt hàng khác của Nga. Cơ chế này vận hành tương đối tốt trong bối cảnh thế giới đang tiếp tục thiếu năng lượng, nguyên liệu thô và giá các mặt hàng Nga xuất khẩu thì lại đang đồng thời tăng không ngừng. Chúng ta đừng quên rằng trong những năm đầu tiên sau khi Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế hầu hết các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) vẫn mang tính chất Xô Viết, và do vậy vẫn tiêu thụ nhiều năng lượng và nguyên liệu – đây là nhân tố quyết định việc các nước đó phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng và nguyên liệu giá rẻ từ Nga.

Tuy nhiên, ở thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, “thị trường người sản xuất” được thay thế bởi “thị trường người tiêu dùng”, và điều này làm giảm dần tầm quan trọng của khuyến mại năng lượng từ Nga đối với các nước láng giềng. Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở hầu hết các nước SNG, tuy chậm chạp nhưng không tránh khỏi, cũng đóng góp vào quá trình biến đổi này. Xu hướng chuyển sang dùng năng lượng “sạch” đã bắt đầu trên khắp thế giới.

Thứ ba, Moscow tìm cách thu hút các nước láng giềng bằng cách tạo ra điều kiện ưa đãi cho họ tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ ở Nga cũng như thị trường lao động của nước này, dưới hình thức xuất khẩu lao động từ các nước SNG sang. Những ưu đãi đó có tầm quan trọng đáng kể trong bối cảnh kinh tế Nga tăng trưởng nhanh trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 còn hầu hết các nước SNG chưa sẵn lòng hoặc chưa sẵn sàng tích cực khai thác thị trường tiêu dùng và lao động ở các nước xa xôi.

Nhưng các cơ hội như trên cho nước Nga không kéo dài mãi. Kể từ khi bắt đầu thập kỷ thứ 2 của thế kỷ này, kinh tế Nga đã và đang đánh mất sự năng động trước đây, ngày càng tụt lại phía sau mức tăng trưởng chung của thế giới.

Về phần mình, các nước SNG đang ngày càng đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế đối ngoại, mở rộng hợp tác với EU, Trung Quốc, Nam Á, và Trung Đông. Xu hướng này được thúc đẩy một phần là vì các biện pháp kinh tế hạn chế mà Nga liên tục áp dụng lên các nước Gruzia, Ukraine, Moldova, và thậm chí cả Belarus. Khi ấy, các nước buộc phải tích cực chủ động phát triển các thị trường xuất khẩu thay thế. Một nhân tố nữa làm chậm hợp tác kinh tế trong không gian hậu Xô Viết sau năm 2014 là việc các đối tác của Nga lưỡng lự do lo ngại hứng chịu loạt trừng phạt thứ 2 của phương Tây.

Thứ tư, Nga đã từ lâu tuyên bố mình là “đại diện cho lợi ích” các quốc gia SNG trong các tổ chức quốc tế từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho đến G8 và G20. Nhưng nhiệm vụ này ngày càng khó đạt được theo thời gian – lợi ích của Nga và các nước láng giềng gần nhất ngày càng phân ly mỗi lúc một rõ ràng hơn, việc bỏ phiếu nhất trí trong các diễn đàn quốc tế ngày càng khó đạt hơn, xung đột lợi ích ở nhiều diễn đàn đa phương trở nên càng lúc càng phổ biến. Ngay cả trong các định dạng rộng rãi như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), quan điểm của Nga và các nước SNG cũng hay cách xa nhau đáng kể.

Bộ các công cụ mà Nga dùng để tương tác với các nước ở gần nói trên không dừng lại ở 4 phương tiện đã nêu. Còn có các cơ hội xuất khẩu giáo dục với hạn ngạch phân bổ ngân sách cho sinh viên các nước SNG, các chương trình quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Nga, các chuỗi công nghệ song phương và đa phương .v.v. Nhưng các công cụ đó có mức độ hiệu quả không cao, đặc biệt là khi xuất hiện các đối tác thay thế từ Trung Quốc cho tới EU và khi Nga hứng chịu thêm nhiều lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây kể từ năm 2014.

Bên cạnh đó, các nỗ lực định hình bản sắc dân tộc mới ở các nước từng là cộng hòa thành viên Liên Xô lại dựa chủ yếu vào việc tối đa hóa khoảng cách với Nga, từ lịch sử, văn hóa cho đến ngôn ngữ. Tất yếu Nga rơi vào thế bị làm vật so sánh về khác biệt sắc tộc và văn hóa cho các nước ở vùng ngoại vi của đế chế Nga năm xưa trong quá trình các nước này xây dựng quốc gia của riêng mình. Do vậy, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc bài Nga ở nhiều nước SNG, việc xây dựng các “lịch sử dân tộc” thay thế, và việc hình thành các câu chuyên chính trị dân tộc-tộc người, việc xét lại quá trình chung sống trong nhà nước Liên Xô đa dân tộc... là những điều khó tránh được.

Cách tiếp cận đã thay đổi đối với không gian hậu Xô viết

Hiện tại, rất khó xây dựng một bức tranh tổng thể và có sức thuyết phục về cách mà Nga tiếp cận với các nước láng giềng cận kề họ nhất. Có lẽ phải chờ đến một ngày nào đó các dữ liệu lưu trữ (mà hiện nay chưa được giải mật) sẽ cho phép phân tích toàn diện các thảo luận nóng hổi về các chủ đề như giới thân cận của ông Yeltsin và ông Putin.

Tuy nhiên, cuộc chiến ở Gruzia vào tháng 8/2008 và đặc biệt là sự công nhận sau đó của Nga đối với nền độc lập của các vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia có thể được xem là kết quả của một sự chuyển đổi đáng kể trong chiến lược ban đầu của điện Kremlin đối với các đối tác của mình trong không gian hậu Xô viết.

Sau cùng, từ tận năm 2008, đã rất rõ là việc Nga công nhận 2 vùng ly khai của Gruzia tạo ra một vấn đề cơ bản dài hạn trong quan hệ giữa Moscow và Tbilisi, bởi lẽ không chính phủ Gruzia nào sẽ chịu chấp nhận việc để mất tới 1/5 lãnh thổ. Nếu thiếu sự tham gia của Gruzia, các nỗ lực tái hội nhập vùng Nam Kavkaz một cách toàn diện về kinh tế và chính trị dưới sự lãnh đạo của Nga sẽ trở nên bất khả thi kể cả trên phương diện lý thuyết.

Nhưng dĩ nhiên, một chỉ dấu rõ ràng hơn về việc xét lại thái độ trước đây là cách ứng xử của Kremlin trong cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 – rất khác với phản ứng của Nga trước cuộc “Cách mạng Cam” ở Kiev một thập kỷ trước đó. Chiến dịch nhanh chóng ở Ukraine, sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho các nước cộng hòa tự xưng ở Donetsk và Lugansk (miền Đông Ukraine), và các lời lẽ gay gắt chính thức nhằm vào ban lãnh đạo mới của Ukraine – tất cả đều chứng tỏ Kremlin đã sẵn sàng chấp nhập tình trạng thù địch dài lâu của Ukraine đối với Nga như một tất yếu lịch sử. Theo đó, các sự kiện năm 2014 đã chấm dứt bất cứ kế hoạch tái tích hợp toàn diện nào đối với không gian hậu Xô viết quanh Nga.

Từ giờ trở đi, quá trình Nga chuyển đổi quan hệ với các nước hậu Xô Viết theo hướng tự lập trở nên đặc biệt dễ nhận thấy, bao gồm việc Nga giảm dần trợ cấp kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp cho các nước láng giềng của mình, bảo vệ một cách cứng rắn các lợi ích trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, tích cực cạnh tranh với các nước láng giềng tại các thị trường của các nước thứ 3.v.v.

Tất nhiên các dự án kinh tế đa phương tiếp diễn. Năm 2015, Liên ninh Kinh tế Á-Âu (EAEU) bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, tầm quan trọng của EAEU đối với Nga vẫn rất hạn chế. Các nước thành viên trong tổ chức này chiếm chưa tới 10% tổng ngoại thương của nước Nga (trong khi đó, EU chiếm tới gần 60% ngoại thương nước Đức).

Mặc dù EAEU vẫn là một cơ chế quan trọng thúc đẩy lợi ích kinh tế của Nga, phong trào hướng tới một không gian kinh tế đơn nhất bằng cấu trúc này là rất chậm chạp (nhất là khi so sánh với quá trình hội nhập ở các khu vực khác trên thế giới). Hiện các nỗ lực của Nga nhằm mang lại cho EAEU một chiều sâu chính trị đã không nhận được sự ủng hộ thấy rõ từ các nước thành viên và chưa mang lại kết quả cụ thể nào.

Việc Nga mở một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine rõ ràng là một ngoại lệ đối với xu hướng tiến tới cách tiếp cận hợp lý và thực dụng hơn đối với không gian hậu Xô viết. Dường như trong mắt giới lãnh đạo Kremlin, một Ukraine hướng về phương Tây và hợp tác chặt chẽ với NATO tạo ra một thách thức đáng sợ đối với không chỉ các lợi ích an ninh của Nga mà còn cả sự tồn tại của chính Nga. Lựa chọn phương án này có những sự mạo hiểm nhất định, khiến nhiều người cho rằng đây chính là hành động cuối cùng trong chuỗi 30 năm trời Nga cố gắng gìn giữ di sản từ thời Liên Xô.

Kết quả chính thống của chính sách đối ngoại Nga trong 30 năm qua là đất nước này đã có thể trở thành một cường quốc toàn cầu rất năng động nhưng lại chưa trở thành một lãnh tụ khu vực. Hơn nữa, chủ nghĩa toàn cầu của Nga trong những năm gần đây có thể xem là một dạng bù trừ chính trị cho nhiều thất bại của Moscow trong việc xây dựng các mối quan hệ tích cực và ổn định với nhiều nước láng giềng cận kề. Sớm muộn, việc xây dựng các mối quan hệ đó kiểu gì cũng trở lại thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Moscow. Nhưng bây giờ sẽ khó hơn cả hồi năm 1991. Không xử lý được vấn đề quan trọng này, bất cứ thành công nào trong các lĩnh vực đối ngoại khác của Nga đều bị giảm giá trị./.