Taliban ngày 7/9 công bố chính phủ lâm thời, trong các vị trí quan trọng trong nội các mới đều do những nhân vật kỳ cựu và trung thành với lực lượng này trong giai đoạn cai trị lần đầu tiên giai đoạn 1996-2001 nắm giữ.
Mullah Mohammad Hassan Akhund được bổ nhiệm làm quyền Thủ tướng trong chính phủ mới. Đây là yếu tố bất ngờ, bởi trước đó nhiều người dự đoán nhân vật đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar sẽ nắm giữ vị trí này. Trong chính phủ mới, ông Baradar được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng.
Danh sách các bộ trưởng hiện nay dường như cho thấy Taliban không sẵn sàng chia sẻ quyền lực với các thành phần khác, cũng như thực hiện lời hứa về một chính phủ bao trùm thể hiện một đất nước Afghanistan đã thay đổi - một đất nước mà phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số đều có tiếng nói trong việc đưa ra các quyết sách.
Dù nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ mới đã từng nắm giữ vai trò tương đương trong chế độ Taliban trước đây, những không nhiều người biết rõ thông tin về những người này.
Mullah Mohammad Hassan Akhund
Được coi là một trong những thành viên sáng lập Taliban những năm 1990, ông Hassan sẽ đảm nhiệm vai trò thủ tướng, phụ trách công việc điều hành, quản lý hàng ngày. Ông là cố vấn chính trị và trợ lý thân cận của Mullar Omar – nhân vật sáng lập và là thủ lĩnh tối cao đầu tiên của Taliban.
Là một thành viên trong Hội đồng tối cao của Taliban, ông Hassan từng là Phó Thủ tướng và Ngoại trưởng trong chính quyền Taliban cai trị những năm 1990.
Trong 2 thập kỷ sau khi chế độ Taliban bị lật đổ, ông ít khi xuất hiện trước công chúng, nhưng vẫn đóng vai trò điều phối và điều hành hội đồng lãnh đạo của Taliban ở Quetta, Pakistan.
Ông Hassan nằm trong danh sách trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vì liên quan tới các hoạt động của Taliban.
Mullah Abdul Ghani Baradar
Ông Baradar sinh năm 1968, lớn lên ở Kandahar, nơi khai sinh ra phong trào Taliban. Ông từng chiến đấu bên cạnh Mullah Mohammad Omar và cùng thành lập phong trào Taliban đầu những năm 1990 trong bối cảnh hỗn loạn của cuộc nội chiến sau khi Liên Xô rút quân.
Baradar nắm giữ các vị trí cấp cao trong chế độ Taliban đầu tiên từ năm 1996 và có tiếng là một trong những thủ lĩnh máu lạnh nhất trên chiến trường khi Taliban tìm cách trấn áp các thành phần đối lập trong cuộc nổi dậy ở miền Bắc.
Baradar từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2001. Sau khi chế độ Taliban bị các lực lượng do Mỹ lật đổ, ông cùng nhiều thủ lĩnh khác của Taliban đã chạy sang Pakistan.
Khi Taliban tái lập phong trào nổi dậy, Baradar là cấp phó của thủ lĩnh Omar, phụ trách các chiến dịch quân sự. Ông điều hành các cuộc nổi dậy của Taliban năm 2006, nhưng cũng tham gia vào các cuộc tham vấn bí mật với các đại diện của lãnh đạo lâm thời Hamid Karzai về một thỏa thuận công nhận chính phủ mới khi đó.
Ông bị bắt trong cuộc đột kích do Mỹ và Pakistan tiến hành năm 2010. Giới chức Pakistan sau đó tiết lộ, cuộc đột kích là nhằm chấm dứt đối thoại giữa ông Baradar với chỉnh phủ Karzai. Ông bị bắt giam 8 năm. Năm 2018, Mỹ gây sức ép để Pakistan thả Baradar, tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại giữa Taliban với Mỹ.
Ông Baradar sau đó tới Qatar và được bổ nhiệm làm người đứng đầu văn phòng chính trị Taliban, giám sát việc ký kết thỏa thuận với chính quyền Donald Trump tại Doha, theo đó Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Trong quá trình đối thoại, ông tạo dựng được mối quan hệ mà nhiều người mô tả là nồng ấm với Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad.
Sau khi Taliban tiếp quản Kabul, ông Baradar trở về Afghanistan, đầu tiên là tới Kandahar và sau đó tới thủ đô.
Sirajuddin Haqqani
Sirajuddin Haqqani là con trai thủ lĩnh mujahideen và người sáng lập mạng lưới Haqqani, Jalaluddin Haqqani. Có thông tin cho rằng Sirajuddin Haqqani 48 tuổi.
Ông Sirajuddin Haqqani sẽ là quyền bộ trưởng nội vụ, phụ trách luật pháp và trật tự, có thể cả vấn đề quản lý địa phương.
Năm 2016, ông Sirajuddin trở thành một trong 2 cấp phó của Thủ lĩnh tối cao Taliban Sheikh Hibatullah Akhundzada, phụ trách mạng lưới chiến binh, các trường học tôn giáo, và điều hành phần lớn các chiến dịch quân sự của Taliban.
Mạng lưới Haqqani bị Mỹ coi là tổ chức khủng bố. Đây cũng là một trong những thành phần phiến quân nguy hiểm nhất ở Afghanistan và nổi tiếng về mối quan hệ thân cận với giới tình báo Pakistan.
Mạng lưới Haqqani chủ yếu ở phía Đông Afghanistan và có ảnh hưởng đáng kể với hội đồng lãnh đạo Taliban. Haqqani và mạng lưới của mình cũng có các mối quan hệ mạnh mẽ và lâu dài nhất với Al Qaeda.
“Mạng lưới Haqqani ở giữa Taliban với Al Qaeda và được xem như cầu nối chủ chốt”, ông Thomas Joscelyn, nghiên cứu sinh cấp cao tại Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ, đồng thời là biên tập viên cấp cao tại Tạp chí Long War, đánh giá.
Mawlawi Muhammad Yaqoub, Bộ trưởng Quốc phòng
Yaqoub, được cho là khoảng 30 tuổi, là người đứng đầu ủy ban quân sự của Taliban, giám sát mạng lưới các thủ lĩnh chiến trường chịu trách nhiệm tiến hành nổi dậy. Yaqoub là con trai cả của thủ lĩnh sáng lập Omar.
Tên tuổi của Yaqoub được dư luận chú ý khi Taliban lựa chọn thủ lĩnh tối cao năm 2016. Mặc dù ông này có sự ủng hộ của các chỉ huy quân sự của Taliban nhưng tuổi tác còn trẻ lại trở thành yếu tố cuối cùng đưa Akhundzada trở thành thủ lĩnh tối cao của Taliban.
Amir Khan Muttaqi, Ngoại trưởng
Ông Muttaqi đứng đầu một ủy ban phụ trách việc thuyết phục các thành viên quân đội và cảnh sát Afghanistan đầu hàng.
Ông từng là bộ trưởng thông tin và văn hóa, sau đó là bộ trưởng giáo dục trong chế độ Taliban đầu tiên. Trong 2 thập kỷ nổi dậy của Taliban, ông là người định hình các chiến lược tuyên truyền và chiến tranh tâm lý, sau đó trở thành chánh văn phòng của thủ lĩnh tối cao và là thành viên phái đoàn chính trị của Taliban tại Qatar.
Ông là một trong những nhân vật cấp cao Taliban mở lại kênh đối thoại với giới chức Mỹ cũng như gặp gỡ các cựu quan chức Afghanistan, trong đó có cựu tổng thống Karzai, cũng như cựu Chủ tịch Hội đồng Hòa giải dân tộc tối cao Abdullah Abdullah… sau khi Taliban tiếp quản Kabul.
Abdul Haq Wasiq, người đứng đầu cơ quan tình báo
Ông Wasiq là một trong 5 tù nhân Vịnh Guantanamo được thả để đổi lấy trung sỹ Mỹ Bowe Bergdahl. Sau đó ông tới Doha, Qatar và trở thành thành viên chủ chốt trong các cuộc đàm phán của Taliban với Mỹ. Ông là người tỉnh Ghazni và được cho là ngoài 50 tuổi.
Các tù nhân Guantanamo được thả cùng Bergdahl đều nắm giữ vị trí cấp cao trong chính phủ mới.
Ông Wasiq nắm giữ vai trò chủ chốt tại cơ quan tình báo mà ông từng là cấp phó những năm 1990.
Hồ sơ thẩm vấn trong quá trình bị giam giữ tại Guantanamo cáo buộc ông Wasiq có mối quan hệ thân cận với Al Qaeda, bao gồm cả việc tổ chức cho các tay súng khủng bố huấn luyện cho các đặc vụ tình báo của chính quyền Taliban.
Zabihullah Mujahid, Thứ trưởng bộ thông tin và văn hóa
Ông Mujahid, được cho là 43 tuổi, người tỉnh Paktia, lâu nay là phát ngôn viên chính của Taliban, chịu trách nhiệm liên hệ với báo giới và đăng tải các tuyên bố của Taliban trên mạng xã hội. Tuy nhiên phải đến ngày 17/8 vừa qua, thế giới mới biết mặt Mujahid khi ông tiến hành cuộc họp báo trực tiếp đầu tiên của Taliban ở Kabul.
Kể từ đó, ông đóng vai trò hàng đầu trong việc kêu gọi người dân Afghanistan cũng như thế giới công nhận Taliban là những người cầm quyền hợp pháp của Afghanistan, đồng thời tuyên bố lực lượng này sẽ không giống như khi cai trị lần đầu tiên.
“Chúng tôi không muốn Afghanistan trở thành chiến trường nữa, từ ngày hôm nay, chiến tranh đã kết thúc”, ông nói trong cuộc họp báo.
Khalil Haqqani, Bộ trưởng phụ trách vấn đề tị nạn
Khalil Haqqani là đại diện đặc biệt của thủ lĩnh tối cao Taliban và là chú của phó thủ lĩnh Taliban Sirajuddin Haqqani. Với các mối quan hệ ở khu vực Vùng Vịnh, ông là người gây quỹ quan trọng của mạng lưới Haqqani. Ông Khalil cũng bị Mỹ và Liên Hợp Quốc liệt vào danh sách khủng bố toàn cầu.
Những ngày gần đây, ông đóng vai trò công khai trong việc thiết lập chính quyền Taliban tại Kabul. Ông xuất hiện tại một đền thờ Hồi giáo trong thành phố và nói với đám đông ủng hộ rằng: “Ưu tiên hàng đầu của Taliban là an ninh của Afghanistan – nếu không có an ninh thì không có cuộc sống”./.