Vị Đại tá đầy tham vọng
Lên nắm quyền ở Libya vào năm 1969, Đại tá Muammar Gaddafi - người tự nhận “nhà lãnh đạo quốc tế, là lãnh đạo của các lãnh đạo Arab, vua của các vị vua châu Phi và là lãnh tụ của chủ nghĩa Hồi giáo” - khao khát làm lãnh tụ các nước Arab và châu Phi, nhưng Libya dân cư thưa thớt, lại không có những “con át chủ bài” đặc biệt, mà vũ khí hạt nhân thuộc số đó. Vào những năm 1970, hạt nhân là chủ đề cực kỳ thời sự - nước láng giềng Algeria trước đó là một bãi thử hạt nhân của Pháp đã giành được độc lập; có tin đồn, Israel đã tạo ra bom nguyên tử của mình; thế giới Arab đã rất ấn tượng trước các mối đe dọa hạt nhân của Liên Xô chống lại Anh và Pháp trong các sự kiện năm 1956.
Gaddafi nắm quyền điều hành một cường quốc dầu khí của thế giới Arab, người ít mà rất nhiều dầu, đã có quyết định theo phong cách đặc trưng cho các quốc gia như vậy - mua vũ khí hạt nhân bằng rất nhiều tiền. Paris và London, vì những lý do chính trị, đều không là một lựa chọn phù hợp để đặt vấn đề. Trung Quốc vào thời điểm đó là một “kẻ nổi loạn”, thách thức chính sách đối ngoại của cả Liên Xô và Mỹ, đồng thời, Bắc Kinh đang tìm kiếm thiện cảm của thế giới thứ ba, tích cực "ve vãn" hầu hết các phong trào chống thực dân.
Năm 1970-1971, Tripoli đề nghị Bắc Kinh bán cho họ một số đầu đạn hạt nhân. Về nguyên tắc, phía Trung Quốc trả lời không buôn bán vũ khí hạt nhân, khiến Libya bị phân tâm khỏi các dự án hạt nhân trong một thời gian và ngày 26/5/1975, nước này đã phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Một lý do khác khiến Tripoli quan tâm đến vũ khí hạt nhân là chính sách “chống chủ nghĩa đế quốc” của giới cầm quyền Libya. Vì những nhận xét chỉ trích cả thế giới, Gaddafi đã hoàn toàn bị cô lập về chính trị. Trong chính sách đối ngoại, Libya thực hiện đường lối đối đầu cứng rắn truyền thống của các nước Arab với Israel. Vì vậy, khi nước láng giềng Ai Cập ký hiệp ước hòa bình với nhà nước Do Thái, Gaddafi đã phải đối mặt với viễn cảnh xung đột một mất một còn với Israel.
Đàm phán với Моscow
Trong bối cảnh đó, quả bom nguyên tử đối với nhà lãnh đạo Libya dường như là một sự đảm bảo an ninh. Cố gắng mua vũ khí hạt nhân từ Trung Quốc trong vô vọng, “nhà lãnh đạo cuộc cách mạng” đặt hy vọng vào Liên Xô, quốc gia sẵn sàng chia sẻ công nghệ hạt nhân dân sự với các đồng minh. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc đã gia nhập câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân vào năm 1957.
Các cuộc đàm phán của Gaddafi với Liên Xô kéo dài trong nhiều năm. Trái ngược với những năm 1950, tình hình thế giới đã thay đổi quá nhiều khiến Liên Xô không trao vũ khí hủy diệt hàng loạt vào tay cả các đồng minh trung thành nhất về mặt ý thức hệ. Libya xã hội chủ nghĩa Jamahiriya rõ ràng không phải là một trong những đối tác đáng tin cậy. Hệ thống cấu trúc xã hội và nhà nước do Muammar Gaddafi tạo ra khác xa với chủ nghĩa Mác-Lênin, gợi nhớ nhiều hơn đến các dự án cộng sản vô chính phủ.
Ngoài ra, năm 1969, Liên Xô đã phê chuẩn Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Do đó, Gaddafi đã lên kế hoạch không phải mua vũ khí hạt nhân mà là những công nghệ quan trọng cần thiết để tạo ra chúng. Vào giữa những năm 1970, Gaddafi đã đề nghị Moscow bán cho mình một lò phản ứng nước nặng có khả năng sản xuất plutonium cấp độ vũ khí. Theo một số tài liệu, viên đại tá này đã sẵn sàng trả 10 tỷ USD cho việc xây dựng một dây chuyền nhiên liệu hạt nhân khép kín.
Năm 1977, nhân vật thứ hai sau Gaddafi trong ban lãnh đạo Libya là Abdel Sallam Jellud, đến Liên Xô để đàm phán. Theo nhà sử học Elena Geleskul, thỏa thuận hạt nhân với Tripoli đã được các quan chức của Bộ Chế tạo máy hạng trung Liên Xô và đích thân Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nikolai Tikhonov phê duyệt. Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị chặn bởi Ngoại trưởng Andrei Gromyko, người dường như lo ngại sau khi có được vũ khí hạt nhân, Gaddafi sẽ tham gia vào những cuộc phiêu lưu khác ở Trung Đông.
Sự giúp đỡ của Liên Xô
Tuy nhiên, Liên Xô đồng ý hỗ trợ chương trình hạt nhân “hòa bình” của Libya, mà theo các chuyên gia CIA, người Nga đã đặt “giá cắt cổ” cho các dịch vụ của họ. Năm 1977, Liên Xô đồng ý xây dựng, trang bị và đào tạo nhân viên để điều hành một trung tâm nghiên cứu hạt nhân trị giá hàng triệu USD ở Tajur, cách Tripoli 30km, bao gồm một lò phản ứng nghiên cứu nhỏ 5-10 megawatt do Liên Xô bắt đầu xây dựng vào năm 1977, nhưng các yếu tố chính trị đã trì hoãn việc xây dựng cho đến cuối năm 1982; một xí nghiệp sản xuất nước nặng (đưa vào vận hành năm 1981); và một cơ sở lắp đặt cho quá trình tái chế bức xạ nhiên liệu hạt nhân chiếu xạ (SNF).
Về bản chất, đó là một chu trình nhiên liệu hạt nhân kín có khả năng sản xuất và phân tách plutonium cấp độ vũ khí. Tuy nhiên, Liên Xô, sau một thời gian do dự, đã từ bỏ dự án, bất chấp việc Libya trả giá 10 tỷ USD. Các chuyên gia Liên Xô hiện diện thường xuyên tại trung tâm hạt nhân để có thể kiểm soát việc sử dụng uranium. Ngoài ra, Moscow nhất quyết yêu cầu Libya phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, mặc dù đối với Gaddafi đây chỉ là một bức bình phong.
Một dự án hợp tác Liên Xô-Libya khác - xây dựng nhà máy điện hạt nhân dựa trên hai lò phản ứng năng lượng nước nhẹ VVER-440 ở vùng Sirte, nhưng không thành hiện thực (đã bị dừng vào năm 1984 ở giai đoạn xác minh địa điểm và phát triển dự án) do sự thay đổi chính sách đối ngoại của Liên Xô trong thời Perestroika.
Các đối tác khác
Vì hợp tác với Liên Xô không hiệu quả, Tripoli bắt đầu tích cực tìm kiếm cơ hội ở khắp mọi nơi - từ Argentina đến Nhật Bản. Trong năm 1978-1991, Libya đã nhập khẩu 2.263 tấn tinh quặng uranium từ Niger. Vào giữa những năm 1980, với sự giúp đỡ của một công ty Brazil, các nhà khoa học hạt nhân Libya đã tiến hành thăm dò địa chất uranium ở Libya. Năm 1982, Libya đã mua từ một công ty của Bỉ tài liệu kỹ thuật cho một nhà máy chuyển đổi uranium được xây dựng ở vùng Sabha, nhưng dự án này đã không được hoàn thành.
Năm 1984, một hợp đồng được ký với công ty Tây Đức Imhausen-Chemie để xây dựng một nhà máy nước nặng ở Rabt. Tuy nhiên, hầu hết các hợp đồng này đã không được thực hiện do áp lực của Mỹ đối với các nước xuất khẩu. Năm 1986, một cụm mô-đun chuyển đổi uranium di động được mua từ một công ty Nhật Bản, đã được lắp ráp một phần, nhưng không bao giờ được đưa vào hoạt động. Từ năm 1984, các đại diện của Libya gặp gỡ Tiến sĩ Abdul Qadir Khan - “cha đẻ của bom nguyên tử Pakistan” và các cuộc tiếp xúc cấp cao với Khan tiếp tục đến năm 1991, Libya có được thông tin về máy ly tâm L-1 (tương tự của IR-1 của Iran), do Khan phát triển.
Trong giai đoạn 1995-2000, một lần nữa bắt tay với Khan, Libya đã nhận được hai máy ly tâm L-2 (tương tự của R-2 của Pakistan và IR-2 của Iran) và đặt hàng sản xuất 10.000 máy cùng các thiết bị liên quan cần thiết. Thỏa thuận được thực hiện bởi một mạng lưới thương mại hạt nhân bí mật; thiết bị được sản xuất và cung cấp từ 13 quốc gia (Đức, Tây Ban Nha, Ý, Liechtenstein, Malaysia, UAE, Pakistan, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Nam Phi, Hàn Quốc, Nhật Bản), cùng nhiều doanh nghiệp trong bóng tối. Những lô lớn linh kiện L-2 đầu tiên bắt đầu đến Libya vào tháng 12/2002.
Kết cục bất ngờ
Ngày 4/10/2003, một tàu buôn thuộc một công ty của Đức trên đường đến Libya đã bị kiểm tra tại cảng Taranto (Ý). Trên tàu, 5 container chứa các thành phần cho chương trình làm giàu uranium đã được tìm thấy và bị tịch thu. Ngày 19/12/2003, sau 10 tháng đàm phán bí mật với Mỹ và Anh, Libya cam kết từ bỏ ý muốn sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Hầu hết các vật liệu và thiết bị quan trọng cho chương trình đều đã được đưa ra khỏi đất nước hoặc bị tháo dỡ - sau hơn 30 năm, đối với Lybia, bom nguyên tử vẫn chỉ là một giấc mơ ma quá xa vời.
Đồng thời, Gaddafi bắt đầu chủ động tiết lộ các nhà cung cấp, các thông tin về quy mô thực các hoạt động của Khan trong việc xuất khẩu hạt nhân từ Pakistan. Điều gì đã thúc đẩy Gaddafi tiết lộ sự thật? Một mặt, ông soi vào chiếc gương Iraq, mặt khác, mong muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây, và bình thường hóa quan hệ với phương Tây nói chung sau các vi phạm đối với NPT đã bị phanh phui.
Tuy nhiên, điều đó không cứu được Gaddafi khỏi “những người bạn phương Tây mới” và lịch sử đã cho thấy, nỗi sợ hãi của nhà độc tài khiến ông ta chi hàng tỷ USD cho một dự án hạt nhân, không phải là không có cơ sở. Các biến động của năm 2011 cũng tác động đến Libya và các nước NATO đã nhân cơ hội này can thiệp quân sự. Sau khi chính thức từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân vào năm 2003, chế độ Gaddafi, chỉ tồn tại thêm 8 năm, cuối cùng bị phiến quân lật đổ với sự hỗ trợ quân sự của các nước NATO; bản thân Gaddafi bị giết một cách tàn bạo sau 42 năm ở trên đỉnh cao quyền lực./.