Ngày 29/9/1773, các lực lượng Nga lần đầu tới Beirut. Lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, một trong những thành phố cổ nhất của Levant (dùng để mô tả vùng đất rộng lớn phía Đông Địa Trung Hải) ghi dấu gót giày của người châu Âu. Nhưng điều gì đã đưa các binh sỹ Nga từ quê nhà xa xôi tới đây?
Chiến đấu vì Levant
Chiếm Beirut trở thành một trong những sự kiện nổi bật nhất trong chiến tranh Nga-Thổ giai đoạn 1768-1774. Hai cường quốc khi đó tranh giành quyền kiểm soát bờ Biển Đen và Caucacus, cũng như ảnh hưởng chính trị trong khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva đang suy yếu.
Đánh bại lực lượng người Thổ ở Vịnh Chesme (gần Izmir) vào tháng 7/1770 trở thành một trong những sự kiện chủ chốt làm đảo chiều cuộc xung đột. Mất hơn 20 tàu chiến và 11.000 binh sỹ, người Thổ trên thực tế đã mất quyền kiểm soát toàn bộ phần phía Đông Địa Trung Hải.
Trong lúc người Nga đang áp đảo kẻ thù trên bộ và trên biển, Đế chế Ottoman cũng đang phải đối phó với lực lượng nổi dậy trong nước. Với việc Vua Thổ coi trọng khu vực Balkan và Biển Đen, các chư hầu của ly khai Thổ Nhĩ Kỳ - đã sử dụng thời cơ này để đẩy thúc đẩy một loạt cuộc nổi dậy.
Các phong trào ly khai nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của Hạm đội Nga. Sau đó, ngày 11/6/1772, với sự trợ giúp từ người Nga, tù trưởng người Palestine Zahir al-Umar al-Zaydani đã hoàn toàn đánh bại lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Sidon (thành phố cảng ở tây nam Lebanon, ven Địa Trung Hải, phía Nam Beirut).
Chính Zahir đã chỉ cho các đồng minh người Nga về mục tiêu mới của họ - Beirut, khi đó nằm dưới quyền cai trị của tiểu vương Mount Lebanon, Yusuf Shihab. Cảng biển có tầm quan trọng chiến lược ở Địa Trung Hải này hoạt động như một tuyến cung cấp huyết mạch cho một trong những trung tâm quyền lực quan trọng nhất của Đế chế Ottoman – Damascus.
Chinh phục Beirut
Nỗ lực đầu tiên nhằm chiếm Beirut diễn ra vào tháng 6/1772 do các nhóm nổi dậy Hy Lạp, liên kết với Nga, thực hiện. Theo mệnh lệnh của Nga, các đội quân nhỏ người Hy Lạp do Thiếu tá Gregorios Rizo chỉ huy, đã tiến quân và chinh phục thành phố này trong trận chiến 5 ngày bằng đạn pháo trước khi đổ bộ và chiếm được khu vực lân cận.
Đại diện của tiểu vương Yusuf được cử đi đàm phán với Rizo. Do bất ngờ trước thành công của Nga và các chiến thắng của tù trưởng Zahir ở Palestine láng giềng, tiểu vương này không chỉ góp phần giúp những người chinh phục của Hy Lạp mà cuối cùng còn thề liên minh với Đế chế Nga, trở thành thần dân và gia nhập hàng ngũ kẻ thù của Sublime Porte (tên dùng để chỉ Đế chế Ottoman lúc bấy giờ). Quyết định được nhanh chóng thông báo cho chỉ huy của hải đội Meditarranean, Bá tước Aleksey Orlov.
Dù vậy, người Thổ không muốn chứng kiến toàn bộ Levant tuột khỏi tầm tay. Beirut gần như ngay lập tức, và không có sự kháng cự, đã bị lực lượng của chỉ huy Ottoman Ahmad Pasha al-Jazzar đánh chiếm. Chủ huy al-Jazzar muốn biến Beirut thành một pháo đài không thể công phá. “Ngày và đêm, người dân phải xây dựng công sự và tường thành dưới sự giám sát của các bảo vệ có vũ trang. Bất kỳ ai không tuân thủ đều phải chịu hình phạt nghiêm khắc, một số người bị giết và rất nhiều người bị bắt giữ.
Với việc mất Beirut, tiểu vương Yusuf bị cắt đứt con đường ra biển và đã phải cầu xin sự giúp đỡ từ các đồng minh của mình.
Ngày 23/7/1773, 17 thiết giáp hạm của Nga dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Mikhail Kozhukhov bao vây thành phố Beirut. Quân đội của tiểu vương Yusuf phong tỏa trên đất liền. Hơn 20.000 quả đạn được nã vào Beirut trong 8 ngày đầu của cuộc bao vây. Tuy nhiên, điều bất ngờ là chúng gây ra rất ít thiệt hại cho thành phố.
Tuy nhiên, cuộc bao vây càng kéo dài, quân đội của Yusuf càng nhanh chóng yếu thế và phải rút quân. Kết quả là phần lớn trọng trách được đặt lên vai Nga. Những đoàn quân xuất kích sau đó nhanh chóng tạo thành một vòng vây quanh Beirut, cắt đứt mọi đường tiếp tế. Tuy nhiên, Nga không có đủ lực lượng cho một cuộc tấn công tổng lực.
Mối quan hệ giữa Lebanon và Nga
Theo các thỏa thuận đạt được giữa Yusuf và chỉ huy Nga, phía tiểu vương sẽ bồi thường cho người Nga mọi tổn thất phát sinh, gửi một khoản tiền trị giá 300.000 piastre Thổ Nhĩ Kỳ (gần 8 tấn vàng). Sau đó, Kozhukhov chính thức chuyển giao quyền kiểm soát thành phố cho tiểu vương.
Hạm đội Nga ở lại Beirut cho đến tháng 1/1774, sau đó nó rời đến căn cứ thường trực trên đảo Paros của Hy Lạp. Thành phố Beirut cuối cùng lại không bao giờ đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ, với kết quả của cuộc xung đột được quyết định bởi chiến thắng của Thiếu tướng Aleksandr Suvovrov trong trận Kozludzha, ở Bulgaria, vào ngày 20/6 năm đó.
Trong suốt thời gian người Nga hiện diện ở Levant, Yusuf Shihab không ngừng ca ngợi về mối quan hệ gần gũi và thân thiện giữa ông và “Sultan của Moscovia” (Nữ hoàng Catherine II). Cổng chính của Beirut thậm chí còn có biểu tượng của Thánh Catherine với vương miện hoàng gia mà một nhà ngoại giao Pháp đã lấy làm chân dung của nữ hoàng Nga. Bất cứ ai đến gần cổng sẽ xuống ngựa và cúi đầu trước tượng thánh.
Việc chuyển giao quyền kiểm soát này cho Nga sẽ ngụ ý sự độc lập thực tế cho Mount Lebanon. Và như tiểu vương đã nói, trên thực tế, người Nga sẽ không thể nắm giữ vùng đất xa xôi này một cách chặt chẽ.
Đế chế Nga cũng đồng tình với đánh giá này. Giới cầm quyền ở Nga hiểu rằng họ không có đủ nguồn lực cũng như không có một hạm đội hùng mạnh để nắm giữ và kiểm soát một tỉnh nằm ngay ngưỡng cửa của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, nước Nga lúc đó đang chìm trong cơn thịnh nộ từ các cuộc nổi dậy của nông dân do Emelyan Pugachev đứng đầu, và Nữ hoàng Catherine thực sự không có nguồn lực để dành cho việc đối phó với những vùng đất xa xôi.
Sau khi ký kết Hiệp ước Hòa bình Kuchuk-Kainarji ngày 21/7/1774 với Đế chế Ottoman, hạm đội Nga cuối cùng đã rời Biển Địa Trung Hải. Ngay sau đó, Sublime Porte đã giành được chiến thắng ở các vùng lãnh thổ của quân nổi dậy. Tù trưởng Zahir al-Umar al-Zaydani thiệt mạng trong trận chiến, nhưng tiểu vương Yusuf đã sống sót và sau này ký một thỏa thuận với Istanbul, cho phép ông tiếp tục đứng đầu Mount Lebanon./.