Nỗi sợ thường trực của người Mỹ và hy vọng thuyết phục được Taliban
Vào ngày 12/8/2021, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ gửi về nước họ một số lượng khoảng 1.400 người Mỹ đóng tại Đại sứ quán nước này ở thủ đô Kabul (Afghanistan) và giảm nhân viên tại cơ sở ngoại giao này xuống mức "hiện diện ngoại giao cơ bản" theo như lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price.
5 quan chức Mỹ mô tả tâm trạng bên trong Đại sứ quán Mỹ ở Kabul là đang ngày càng căng thẳng và lo lắng. Các nhà ngoại giao ở trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington ghi nhận một trạng thái lo âu trước viễn cảnh phải đóng cửa cơ sở ngoại giao này vào thời điểm gần 20 năm sau khi thủy quân lục chiến Mỹ chiếm được tòa nhà này vào tháng 12/2001.
Nỗi sợ hiện nay của người Mỹ thật khó tưởng tượng chỉ cách đây vài năm, khi hàng ngàn quân Mỹ đóng ở Afghanistan, còn Đại sứ quán Mỹ ở Kabul sở hữu một trong các đội ngũ nhân viên ngoại giao lớn nhất thế giới.
Đặc phái viên Mỹ phụ trách đàm phán với Taliban - Khalilzad, hy vọng thuyết phục được các thủ lĩnh Taliban rằng Đại sứ quán Mỹ cần phải tiếp tục mở cửa và được bảo đảm an toàn nếu như phái Hồi giáo này muốn nhận được viện trợ tài chính của Mỹ và các trợ giúp khác với tư cách là thành viên của một chính phủ Afghanistan trong tương lai. Ban lãnh đạo Taliban đã hứa hẹn muốn được làm nhà quản lý chính đáng của đất nước Afghanistan và đang tìm kiếm quan hệ với các cường quốc toàn quốc, trong đó có Nga và Trung Quốc, một phần là để nhận sự hỗ trợ về kinh tế.
Hai quan chức giấu tên đã xác nhận các nỗ lực ngoại giao của ông Khalilzad. Một quan chức thứ 3 vào hôm 12/8 nói rằng Taliban sẽ đánh mất tính hợp pháp của mình và kéo theo đó là viện trở nước ngoài cho họ nếu họ tấn công Kabul hoặc hạ bệ chính phủ Afghanistan bằng vũ lực.
Sau khi chứng kiến sự tàn phá do chiến binh Taliban gây ra trên khắp lãnh thổ Afghanistan trong các ngày gần đây, chính phủ các nước khác cũng đang cảnh báo Taliban rằng họ sẽ không nhận được viện trợ nếu họ lật đổ chính phủ Afganistan. Vào hôm 12/8 Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng Berlin sẽ không cho Taliban bất cứ khoản hỗ trợ tài chính nào nếu họ cuối cùng lại cai trị Afghanistan bằng luật Hồi giáo cứng rắn.
"Giằng co" nội bộ giữa phái quân sự và phái ngoại giao Mỹ
Ở các nơi khác trên khắp thế giới, các nhà ngoại giao Mỹ cho hay họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình nguy hiểm ở Kabul để tính xem liệu Bộ Ngoại giao Mỹ có nên cân bằng giữa cam kết lâu dài của họ đối với việc ổn định tình hình Afghanistan với việc bảo vệ các công dân Mỹ vẫn còn ở đó trong khi quân đội Mỹ đã rút đi.
Ronald E. Neumann - cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan trong giai đoạn 2005-2007, mô tả sự giằng co giữa Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ trong những tình huống tương tự, khi mà quân đội có trách nhiệm tiến hành sơ tán còn các nhà ngoại giao có nhiệm vụ duy trì viện trợ và ảnh hưởng của Mỹ ở những vùng nguy hiểm.
Ông Neumann - nay là Chủ tịch Học viện Ngoại giao Mỹ ở Washington, nói: "Nếu quân đội đi quá sớm, điều đó có thể không cần thiết và có thể khiến bạn bị tổn thất về chính trị... Nếu các nhà ngoại giao chờ đợi quá lâu, thì có thể tình hình sẽ là một cuộc tháo chạy như lần di tản khỏi Mogadishu sau khi mọi thứ đã mất hết, và khiến các quân nhân rơi vào tình thế nguy hiểm".
Một quan chức cấp cao khác của Mỹ cảnh báo vào tuần này trước sự thất thủ của các thủ phủ các tỉnh trên khắp Afghanistan. Người này nói rằng nếu các thành phố khác, đặc biệt là Mazar-i-Sharif, thất thủ theo thì tình hình tại Afghanistan sẽ xấu đi nhanh chóng.
Giới chức Washington và Kabul cho biết Đại sứ quán Mỹ tại Kabul vẫn đang tổ chức họp định kỳ của ủy ban hành động khẩn cấp, vốn được thiết lập tại mọi cơ sở ngoại giao của Mỹ hễ khi nào sắp cần có sơ tán khẩn. Nội dung các cuộc họp là bí mật vì có liên quan đến việc xem xét các thông tin tình báo về các kịch bản tấn công cụ thể của đối phương. Có thông tin cho biết, ủy ban khẩn cấp này tại Đại sứ quán ở Kabul họp hàng ngày.
Ủy ban khẩn cấp này chỉ có thể đưa ra khuyến nghị. Nhà ngoại giao cao nhất của Đại sứ quán, cụ thể ở đây là Ross Wilson - Đại biện tại Kabul, sẽ quyết định có di tản hay không sau khi đã tham vấn với các quan chức cấp cao ở Washington. Hôm 12/8, ông Wilson cảnh báo Taliban rằng "các nỗ lực độc quyền quyền lực thông qua vũ lực, gây sợ hãi, và chiến tranh sẽ chỉ dẫn tới tình trạng bị quốc tế cô lập".
Ngoại giao Mỹ cố bám trụ đến phút chót bất chấp nguy hiểm
Từ tháng 4/2021, Đại sứ quán Mỹ tại Kabul bắt đầu đưa về nước các nhân viên không thiết yếu khi tình hình an ninh ở Kabul xấu đi vượt ngưỡng cho phép. Khi ấy, các nhân viên khác cũng được phép về nước mà không lo bị xử lý kỷ luật nếu họ cảm thấy đang bị đe dọa.
Một nhà ngoại giao cho hay, một số lượng binh sĩ mới đây đã được đưa tới tăng cường bảo vệ Đại sứ quán - nhóm này đóng ngay bên trong Đại sứ quán được coi là kiên cố nhất ở khu vực quốc tế của Kabul, nơi có các phái đoán ngoại giao cũng như chính phủ Afghanistan.
Đồng thời, giới chức Mỹ cũng cho biết, hiện ít nhà ngoại giao được luân chuyển tới Kabul để thay thế các đồng nghiệp đã rút đi.
Eric Rubin - Chủ tịch công đoàn đại diện cho các nhân viên ngành ngoại giao Mỹ, nói: "Có nhiều sự hy sinh. Mọi người phục vụ ở đó trong thời gian dài mà không có gia đình ở bên. Họ phục vụ ngành trong điều kiện khó khăn, thỉnh thoảng dưới làn đạn súng cối".
Hiện nay không rõ liệu việc di tản sẽ bao gồm cả các nhân viên nước ngoài (không phải công dân Mỹ) hay không, và số phận của các nhân viên người Afghanistan - những người chắc chắn sẽ bị Taliban nhắm tới vì đã trợ giúp cho Mỹ, sẽ ra sao. Đây là vấn đề mà giới chức Mỹ đang quan tâm sâu sắc, theo một số nguồn tin nắm về điều này.
Giới chức Mỹ cũng cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang quan ngại rằng một cuộc sơ tán Đại sứ quán Mỹ có thể gây ra hiệu ứng domino thúc đẩy sự ra đi của các phái đoàn ngoại giao khác và làm mất đi sự ủng hộ của quốc tế đối với chính quyền Afghanistan khiến cho chính quyền này mau sụp đổ.
Theo ông Rubin, không ai trong ngành ngoại giao Mỹ tham gia trực tiếp vào hoạt động liên quan đến Afghanistan lại cổ xúy cho việc đóng cửa Đại sứ quán tại đây và tiến hành di tản./.