"Lính hợp đồng là công dân nước thứ 3" làm việc cho Mỹ ở nơi nguy hiểm
Gyanendra Shrestha* dành hầu hết 13 năm qua ở Afghanistan, giúp đỡ Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh dài nhất của Mỹ. Một tháng rưỡi trước, anh đã được cho thôi việc làm gác cổng tại căn cứ không quân Bagram để chuẩn bị cho quân Mỹ rút khỏi đây.
Chủ của Shrestha là công ty thầu quốc phòng AC First. Công ty này đã gửi anh trở lại quê nhà ở huyện Sindhuli nằm ở chân dãy núi Himalaya của Nepal. Trao đổi với tờ The Diplomat qua điện thoại, Shrestha cho biết một số cựu đồng nghiệp của mình trong công ty thầu an ninh đang tìm công việc mới ở các khu vực chiến tranh và bản thân anh cũng đang cân nhắc liệu có mạo hiểm ra nước ngoài một lần nữa hay không.
Nỗ lực chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan dựa nhiều vào những người được gọi là "Các Công dân nước thứ 3" (TCN) như Shrestha - đó là các lao động đến từ các nước nghèo ở các khu vực như châu Á, châu Phi, Đông Âu... Những người này làm việc cho các nhà thầu phục vụ quân đội Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ, và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thuộc chính phủ Mỹ.
Các TCN này thường không xuất hiện trong các mô tả của truyền thông về chiến tranh tại Afghanistan. Nhiệm vụ của họ bao gồm bảo vệ các đoàn xe, nấu ăn tại các căn cứ Mỹ, rồi xây dựng cơ sở hạ tầng, và rà phá bom mìn. Nhiều người trong số họ làm các công việc gần như giống hệt nhiệm vụ của các quân nhân Mỹ. Giờ đây, khi lính Mỹ rút khỏi Afghanistan, nhiều TCN như thế cũng rời khỏi quốc gia Trung/Nam Á này và tản ra khắp thế giới.
Shrestha kể: "Một số cậu bạn cùng công ty với tôi đang cố gắng tìm việc với các hãng thầu ở Iraq hiện nay". Các "lính đánh thuê" khác đang tìm việc với quân đội các nước Vùng Vịnh vốn phụ thuộc nhiều vào các hãng thầu tư nhân hoặc tại các mỏ dầu ở Tây Phi hoặc các sòng bạc ở Trung Quốc hay các công ty ngầm ở Syria.
Nghe Shrestha thảo luận nhiều hãng tuyển dụng khác nhau mà các nhân viên hợp đồng như anh từng làm cho thì có thể thấy nhiều người như vậy từng được đào tạo kỹ càng bằng tiền thuế của Mỹ và có kết cục khá bi đát khi tham gia các hoạt động nguy hiểm ở nước ngoài.
Tại Afghanistan, các TCN thường mạo hiểm mạng sống của chính mình với mức thù lao thấp hơn nhiều so với các đồng nghiệp Mỹ trong các công ty thầu quốc phòng-an ninh và thường bị giới chủ bóc lột. Hậu Afghanistan, các "lính đánh thuê" này lại tiếp tục bị lôi vào các xung đột khác và đứng trước nguy cơ bị thương, bị giết, và bị bóc lột.
Chấp nhận phiêu bạt để mưu sinh
Từng là một cựu binh trong quân đội Nepal, Shrestha lần đầu tiên tới Afghanistan vào tháng 5/2008 ở tuổi 37 do khoản lương hưu quân đội quá eo hẹp không đủ nuôi gia đình anh.
Shrestha kể rằng mình đã phải trả tới 250.000 rupee Nepal (tương đương gần 5.000 USD theo thời giá ngày nay) cho một môi giới lao động ngầm để được thu xếp một công việc, đầu tiên sang Delhi rồi tới Kabul bằng một thị thực du lịch Afghanistan. Nhưng khi tới nơi, Shrestha nhận ra rằng công việc trên thực tế chưa hề được thu xếp cho anh. Anh đã phải dành 9 tháng tiếp theo để chờ đợi tại một nhà trọ và sống chui lủi mà không có thị thực (visa), dần dần tiêu hết số tiền dự trữ ít ỏi của mình trước khi xin được việc làm tại căn cứ không quân Bagram.
Shrestha dù sao vẫn còn may mắn vì nhiều TCN khác đã phải đút lót để có được hợp đồng hoặc visa nhưng cuối cùng lại trắng tay. Một số TCN cứ ngỡ sẽ có công việc nhàn hạ ở các nước Vùng Vịnh nhưng cuối cùng lại trôi dạt tới các căn cứ ở Afghanistan hoặc Iraq, chìm sâu vào nợ nần và không thể rời khỏi đây. Một mạng lưới các công ty lao động ở các nước như Jordan và Ấn Độ chuyên cung cấp lao động nhập cư từ các nước nghèo vào những nơi xảy ra xung đột liên quan đến nước Mỹ. Một số công ty như vậy chẳng khác nào các tổ chức buôn người, một số người lao động đã bị bắt cóc và giữ lại tại Afghanistan cho đến khi gia đình hoặc bạn bè trả tiền chuộc.
Khi Shrestha lần đầu tới Bagram (một căn cứ quân sự lớn do Liên Xô xây dựng vào thập niên 1970), anh làm việc cho một nhà thầu phụ Thổ Nhĩ Kỳ của công ty quốc phòng Mỹ Northrup Grumman. Shrestha kiếm được 600 USD/tháng với công việc hộ tống giám sát các lao động người Afghanistan tại căn cứ. Năm đầu tiên anh sống trong một túp lều vì không có đủ nhà ở cho các TCN như anh trong căn cứ này. Lực lượng Hồi giáo Taliban đã bắn rocket vào căn cứ gần như hàng ngày - điều này khiến Shrestha lo lắng nhưng mức thu nhập như trên lại cao hơn những gì anh có thể kiếm được tại quê nhà Nepal. "Chúng tôi phải chấp nhận rủi ro thì mới kiếm được tiền" - Shrestha nói.
Bất bình đẳng lớn giữa nhân viên người Mỹ và nhân viên người nước thứ 3
Mức lương cho các TCN thấp hơn nhiều so với các đồng nghiệp Mỹ, dù cho các TCN phải đối diện các hiểm nguy lớn hơn. Các căn cứ như Bagram thường được bao bọc bởi 3 lớp an ninh: Lớp ngoài cùng là các lực lượng quốc phòng-an ninh của chính phủ Afghanistan; lớp kế tiếp là các nhân viên hợp đồng TCN, và lớp trong cùng (do vậy an toàn nhất) là do quân nhân Mỹ và nhân viên hợp đồng người Mỹ đảm trách.
Một cựu binh Mỹ từng làm việc cho một nhà thầu phụ trách bảo đảm an ninh cho Đại sứ quán Mỹ ở Kabul vào giữa thập niên 2010 chia sẻ rằng anh kiếm được nhiều tiền gấp 4 lần các đồng nghiệp Nepal, ngoài ra còn được nhận thêm các phúc lợi và thời gian nghỉ phép - đây là một bất bình đẳng khiến anh này cảm thấy day dứt. Anh cho hay, các bảo vệ người Nepal được giao nhiệm vụ nguy hiểm như kiểm tra sơ bộ các xe cộ trước khi người Mỹ xuất hiện để hoàn tất việc kiểm tra. Chính vì vậy mà người Mỹ đôi lúc gọi những "lính đánh thuê" Nepal này là "áo chống đạn của chúng tôi" và "mồi nhử" những kẻ đánh bom liều chết. Đã vậy, nhà làm việc của lính gác Nepal thường xập xệ hơn các cấu trúc chắc chắn chống được bom mìn mà anh dành hầu hết ngày lao động trong đó.
Người cựu quân nhân Mỹ thừa nhận nhà làm việc của TCN Nepal thực sự rất tạm bợ, chỉ là những miếng thép mỏng gá vào nhau và không chịu nổi sức công phá của các vụ nổ. Anh kể, một số đồng nghiệp Nepal ngồi trong đó đã bị thương nặng khi bị đối phương tấn công.
TCN không được bảo vệ bằng luật chống phân biệt đối xử và luật về an toàn nơi làm việc vốn là điều phổ biến ở Mỹ. Họ chỉ nhận được một số bảo vệ thông qua Đạo luật Căn cứ Quốc phòng của Mỹ - luật này đòi hỏi các nhà thầu và thầu phụ phải mua bảo hiểm cho tất cả các nhân viên để lo chi trả cho tình trạng bị thương, tàn tật, hoặc tử vong. Nếu một TCN bị thiệt mạng hoặc bị thương khi làm việc cho một hợp đồng của chính phủ Mỹ, họ được hưởng một số quyền và đền bù nhất định. Tuy nhiên, ít lao động TCN biết đến điều này. Nếu bị từ chối các quyền này, các TCN chỉ còn trông mong vào việc khiếu nại trực tiếp lên Bộ Lao động Mỹ, nhưng điều này gần như là bất khả thi đối với một người Nepal đang đóng ở Afghanistan.
Hiện chưa có con số chính xác về các nhân viên hợp đồng TCN bị tử vong hoặc bị thương trong các cuộc chiến tranh của Mỹ.
Nhân viên hợp đồng đông hơn cả binh sĩ chính quy
Các dữ liệu chính thức cho thấy, vào năm 2012, có 86.100 lính Mỹ và 36.826 nhân viên hợp đồng TCN làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ ở Afghanistan. Ngày nay, có 6.399 TCN làm việc cho Mỹ ở Afghanistan trong khi chỉ còn khoảng vài trăm lính Mỹ ở lại đây. Ngoài ra còn có các TCN làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ và USAID tại Afghanistan.
Mỹ đã tăng mức độ phụ thuộc vào "lính đánh thuê" từ tỷ lệ một nhân viên hợp đồng trên 100 lính chính quy trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh thứ nhất lên tỷ lệ nhân viên hợp đồng cao hơn cả binh sĩ chính thức như tại Afghanistan. Nhiều nước khác cũng theo xu hướng này. Có các thông tin về việc Nga đã thuê thêm lính hợp đồng nước ngoài; nhiều nước Vùng Vịnh còn phụ thuộc vào lính hợp đồng nước ngoài để lấp đầy hàng ngũ quân đội của mình.
Trong 20 năm qua, các cuộc xung đột có xu hướng kết hợp các mục tiêu thương mại và chính trị, và lôi kéo nhân viên hợp đồng từ những nước nghèo như Nepal, nhưng mang lại cho họ ít sự bảo vệ hơn./.
(Tên nhân vật được đánh dấu hoa thị trong bài này đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của họ).