Những ngày vừa qua, tâm điểm dư luận thế giới là vụ đánh bom kinh hoàng ở Thủ đô Beirut của Lebanon hôm 19/10 làm hơn 100 người thương vong, trong đó Giám đốc tình báo thuộc lực lượng an ninh nội địa nước này al-Hassan đã thiệt mạng. Điều đáng chú ý là sau vụ đánh bom, phe đối lập tại Lebanon đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng đằng sau vụ việc. Vụ đánh bom khiến dư luận và chính Lebanon nhớ đến vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon Rafic Hariri hồi năm 2005. Dường như những căng thẳng, mâu thuẫn truyền thống giữa hai quốc gia láng giềng đang trở lại. Nó không những gây mất an ninh tại chính hai nước mà còn đổ thêm dầu vào lửa cho bất ổn toàn diện tại khu vực Trung Đông.

Diễn biến chính trong vụ đánh bom đẫm máu

Theo giới chức Lebanon và các nhân chứng, ngày 19/10, một xe bom có sức công phá lớn đã phát nổ tại một khu phố ở trung tâm thủ đô Beirut trong giờ cao điểm khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và khoảng 80 người khác bị thương. Vụ việc xảy ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa các phe phái ở Lebanon ủng hộ và chống đối chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

danh%20bom%20beirut%202.jpg
Hiện trường vụ đánh bom đẫm máu tại Beirut (ảnh: AP)

Trong số những người thiệt mạng có tướng al-Hassan, người đã phát hiện một âm mưu đánh bom mới đây dẫn tới vụ bắt giữ một chính trị gia người Lebanon thân chính phủ Syria. Tướng Hassan là người có quan hệ thân thiết với cựu Thủ tướng Lebanon Saad Hariri, hiện là thủ lĩnh phe đối lập và có thái độ thù địch với chế độ ở nước láng giềng Syria. Ông Hassan đã được dự kiến sẽ tiếp quản chức vụ người đứng đầu Lực lượng an ninh nội địa Lebanon vào cuối năm nay.

Ngay sau khi xảy ra vụ nổ, ông Hariri và một thủ lĩnh đối lập khác đã lên tiếng cáo buộc Tổng thống Syria Al-Assad gây ra vụ ám sát Tướng Hassan. Ngay sau đó, những người Hồi giáo theo dòng Sunni đã đổ ra các đường phố trên toàn Lebanon và đốt lốp xe để phản đối vụ tấn công. Các cuộc biểu tình diễn ra vào đúng ngày quốc tang sau khi phe đối lập, do con trai của cựu Thủ tướng Rafic Hariri là Saad Hariri đứng đầu, kêu gọi mọi người xuống đường để phản đối các hành động bạo lực đẫm máu. Động thái này được xem là nhằm gây áp lực buộc Chính phủ Lebanon phải từ chức.

Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Thông tin Lebanon al-Zobi đã kêu gọi người dân Lebanon đoàn kết: “Tất cả người dân Lebanon cần phải thể hiện tình đoàn kết. Bởi tôi cho rằng, không có nhóm người Lebanon nào chấp nhận việc Lebanon bị sử dụng như một chiến trường và người Lebanon phải trả giá vì điều đó. Đây là thông điệp mà chúng ta cần phải phát đi, thông điệp của tất cả nhân dân Lebanon. Dù là phe đối lập hay đa số, chúng ta sẽ không để cho Lebanon bị lợi dụng và sẽ không để đất nước quay lại nội chiến hay chia rẽ.”

Trước đó, trong phản ứng đầu tiên sau vụ đánh bom, nội các Lebanon đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để xem xét đơn xin từ chức của Thủ tướng Mikati. Tuy nhiên tại cuộc họp, Tổng thống Michel Suleiman đã bác đơn và yêu cầu ông Mikati tiếp tục tại nhiệm vì lợi ích của quốc gia. Về cộng đồng quốc tế, ngay sau khi nhận được tin về vụ đánh bom xe, dư luận đã lên án vụ tấn công đẫm máu này. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã cực lực lên án vụ khủng bố và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã lên án vụ đánh bom và coi đây là một hành động khủng bố. Còn Tổng thống Pháp Francois Hollande đã hối thúc các quan chức Lebanon bảo vệ đất nước trước "mọi âm mưu gây bất ổn". Trong khi đó, Vatican cũng đã kịch liệt lên án vụ tấn công. Còn theo hãng tin SANA của Syria, Bộ trưởng Thông tin nước này Umran al-Zobi đã cực lực lên án vụ đánh bom và mô tả đó là hành động khủng bố hèn hạ. Phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Lebanon, đồng minh thân cận của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng lên tiếng phản đối vụ tấn công này.

Những dấu mốc chính trong lịch sử quan hệ Syria - Lebanon:

# Năm 1943, Lebanon và Syria cùng giành được độc lập, trong bối cảnh Pháp bị Đức xâm chiếm. Trước đó, Lebanon từng là một phần của Đế chế Ottoman trong hơn 400 năm, nhưng sau Thế chiến thứ nhất, vùng này thuộc nước Syria đặt dưới sự ủy trị của Pháp. 

# Sau Chiến tranh Arab - Israel năm 1948, Lebanon trở thành nơi sinh sống của hàng trăm nghìn người tị nạn Palestine chạy trốn khỏi Israel. Đầu thập niên 1970, những rắc rối nảy sinh khi nhiều người tị nạn Palestine tới phương nam. Khi các cuộc chiến ngày càng khốc liệt, các bên ngày càng có quan điểm xa nhau đã dẫn đến một "cuộc nội chiến", khiến Lebanon không thể có được một chính phủ thật sự.

# Trong bối cảnh đó, tháng 6/1976, Syria gửi 40.000 quân vào Lebanon để giúp nước này đối phó với các lực lượng Palestine. Cùng với quân Syria, các chiến binh Lebanon đẩy lùi người Palestine ra khỏi Beirut về phía nam.

# Tuy nhiên, trong vài năm sau đó, bầu không khí chính trị thay đổi khi Syria liên minh với người Palestine khiến một số quân Lebanon quay sang liên minh với Israel. Tiếp đó, các lực lượng Syria tiếp tục ở lại Lebanon, áp chế chính phủ nước này cho tới tận năm 2005. Một số tù nhân chính trị người Lebanon hiện vẫn đang nằm trong các nhà tù Syria.

# Trong thời kỳ quân đội Syria chiếm đóng Lebanon, đã xảy ra nhiều vụ ám sát các nhà chính trị và các nhân vật truyền thông Lebanon, và vụ ám sát cuối cùng với cựu Thủ tướng Rafik Hariri ngày 14/2/2005 đã khiến người dân nước Lebanon phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Syria rút quân đội ra khỏi lãnh thổ Lebanon.

# Ngày 25/4/2005, Thiếu tướng Jamin Seiyet, đồng minh hàng đầu của Syria bên trong các lực lượng vũ trang Lebanon đã từ chức. Ngày hôm sau, 250 lính Syria cuối cùng rút quân khỏi Lebanon. Tuy nhiên, bất chấp sự thiếu vắng lực lượng quân sự, ảnh hưởng của Damascus tại Lebanon vẫn rất mạnh. Cụ thể, họ được phong trào Hezbollah và lực lượng theo dòng Hồi giáo Shiite của Lebanon ủng hộ.

# Ngày 15/10/2008, bước tiến lịch sử đến với quan hệ Syria và Lebanon khi hai nước ký tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao sau hàng chụ năm căng thẳng. Dư luận đánh giá rất cao bởi điều này sẽ củng cố lợi ích chung hai nước, cũng là tín hiệu tốt lành cho hòa bình và ổn định tại Trung Đông. Đây được xem là cái nhìn đổi mới của các nhà lãnh đạo Lebanon sau khi ông Michel Suleiman được bầu làm Tổng thống hồi cuối tháng 5/2008.

# Giữa tháng 12/2009, lần lượt các nhà lãnh đạo cao nhất Lebanon đã tới thăm Syria. Điều này cho thấy rõ quan hệ hai nước đã được cải thiện và thúc đẩy và khẳng định hơn nữa tinh thần gắn kết láng giềng của chính phủ Lebanon. Bởi Lebanon hiểu rằng, sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Lebanon cần có sự hỗ trợ từ Syria.

# Đến tháng 7/2010, Thủ tướng Lebanon lúc bấy giờ Saad Hariri có chuyến thăm đầu tiên tới nước láng giềng Syria kể từ khi lên nhậm chức. Phát biểu khi ở thăm Damascus, Thủ tướng Lebanon kêu gọi thiết lập mối quan hệ Syria -  Lebanon nhằm thúc đẩy kinh tế hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký 17 thoả thuận và biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực.

# Năm 2012, lửa chiến trường Syria bắt đầu lan sang Lebanon, khiến quan hệ hai nước xấu đi, khi liên tiếp xảy ra các vụ bắt cóc người Syria tại khu vực do lực lượng Hezbollah kiểm soát ở thủ đô Beirut của Lebanon. Trong bối cảnh các phe phái thân và chống chính quyền Tổng thống Syria Al-Assad vẫn đang giằng co, “cuộc khủng hoảng con tin” cho thấy tình hình Lebanon cũng như mối quan hệ hai nước đang trở nên rất bấp bênh.

# Tháng 10/2012, vụ đánh bom kinh hoàng tại thủ đô Beirut khiến hơn 100 người thương vong, trong đó có cái chết của quan chức tình báo cao cấp Al-Hassan, với cáo buộc do Syria thực hiện đã đẩy cao nguy cơ căng thẳng, mẫu thuẫn giữa Syria và Lebanon.

Ở thời điểm này, an ninh tại thủ đô Beirut nói riêng và đất nước Lebanon đang được thắt chặt. Rõ ràng, chính phủ Lebanon đang thực sự lo lắng về một nguy cơ khủng hoảng và bạo lực mới. Cùng với sự bất ổn của cuộc khủng hoảng Syria đang có xu hướng lan sang các nước láng giềng, trong đó có Lebanon, người ta lo ngại mối quan hệ Syria - Lebanon sẽ trở lại thời kỳ u ám, và hơn nữa, bất ổn tại toàn khu vực sẽ bị đẩy lên cao.

Liệu kịch bản xấu nhất có thể xảy ra?

Có thể thấy rằng, suốt mấy chục năm qua, mối quan hệ láng giềng Lebanon và Syria đã trải qua rất nhiều thăng trầm, lúc nóng - lúc lạnh. Nhưng rõ ràng, một vấn đề không bao giờ xóa tan được trong mối quan hệ này là sự bất đồng, giằng co giữa các phe phái, các nhóm người trong nội bộ Lebanon liên quan đến vấn đề Syria.

Các chuyên gia đã từng nhận định rằng, chuyện các phe phái Lebanon chia rẽ vì tình hình tại Syria là điều không có gì là lạ. Bởi các lực lượng này vốn nổi tiếng là dễ xung đột, và cũng rất dễ bị chia rẽ vì những biến động ở những quốc gia láng giềng, nhất là các nước có mối liên quan chặt chẽ với Lebanon.

Nhớ lại những năm 70 của thế kỷ trước, nội bộ Lebanon cũng đã xung đột căng thẳng vì vấn đề người Palestine tỵ nạn, dẫn đến một cuộc nội chiến kéo dài 15 năm. Bởi thế mà từ giữa năm 2012 này, khi ngọn lửa khủng hoảng Syria bắt đầu có dấu hiệu lan sang Lebanon, các lực lượng, phe phái đối lập tại Lebanon cũng nhen nhóm những thái độ đối nghịch lẫn nhau. Biểu hiện là các vụ bắt cóc con tin, sau đó bùng phát đến nỗi người ta phải gọi là cuộc khủng hoảng con tin. Bởi những sự việc này đã tăng lên cấp độ khu vực và mang tính chất cộng đồng tôn giáo.

Đến vụ đánh bom kinh hoàng ngày 19/10 vừa qua khiến hơn 100 người thương vong, và tâm điểm là cái chết của Tướng Al-Hassan, Giám đốc tình báo thuộc Lực lượng An ninh Nội địa Lebanon, đây là cái cớ không thể tốt hơn. Bởi thế mà ngay sau khi có thông báo về cái chết của vị tướng này, nhiều lãnh đạo phe đối lập tại Lebanon đã công khai cáo buộc chính quyền Syria đứng đầu là Tổng thống al-Assad phải chịu trách nhiệm.

Có thể nói, lúc này, chính trường Lebanon đang lâm vào thế mất an toàn hơn bao giờ hết, khi làn sóng chỉ trích nhằm vào các nhà lãnh đạo đất nước càng lúc càng tăng. Trong khi đó, phe đối lập tuyên bố sẽ hạ bệ chính phủ với lời khẳng định của cựu Thủ tướng Lebanon Fouad Siniora - một trong những lãnh đạo hàng đầu của phe đối lập, sẽ không có đối thoại trước khi Chính phủ của Thủ tướng Najib Mikati bị lật đổ. Để trấn áp và ngăn chặn làn sóng chống chính phủ lan rộng, các nhà lãnh đạo Lebanon đã triển khai quân đội và cảnh sát tới bảo vệ các vị trí trọng yếu tại thủ đô Beirut và nhiều thành phố lớn khác. Tuy nhiên, đụng độ vẫn tiếp tục diễn ra giữa lực lượng an ninh và người biểu tình.

Có thể thấy rằng, từ khi cuộc khủng hoảng Syria nổ ra, chính quyền Lebanon đã nỗ lực thực thi một chính sách cân bằng với cuộc xung đột này, và kiên quyết không tham gia với bất kỳ hình thức nào. Điều này là vô cùng cần thiết khi chính phủ Lebanon hoàn toàn có thể lường trước những hệ quả khôn lường khi can dự vào chiến trường Syria.

Tuy nhiên, thực tế đã không dễ dàng và suôn sẻ như Lebanon mong muốn. Sức ép từ các phe phái trong nước bắt đầu trỗi dậy bên cạnh sự cố ý lôi kéo của các thế lực bên ngoài, của phiến quân chống chính phủ vào cuộc chiến Syria, đã khiến tình hình Lebanon càng lúc càng căng thẳng.

Người dân Lebanon hoàn toàn có cơ sở khi lo sợ sự sống lại của những mâu thuẫn, xung đột giữa các cộng đồng hồi giáo, và một cuộc nội chiến sẽ như bóng ma trở lại dày vò cuộc sống nơi đây. Và vượt quá cả sức tưởng tượng của người dân Lebanon, các chuyên gia còn đang lo ngại, tình hình bất ổn Lebanon và mối quan hệ xấu đi với Syria sẽ là một quân domino tiếp theo đổ rạp trên bàn cờ Trung Đông. Như thế, một Lebanon vốn vẫn đang trong tình trạng an ninh bất ổn nay đang phải đối mặt với mối nguy cơ nội chiến mới đang ở rất gần. Bên cạnh đó, một Syria với cuộc khủng hoảng dai dẳng gần 20 tháng cũng chưa có dấu hiệu cải thiện. Bây giờ, chỉ cần thêm một tác nhân nữa là không thể lường trước điều gì. Nhưng có thể nói rằng, điều mà dư luận lo ngại nhất là cuộc xung đột tôn giáo giữa dòng Hồi giáo Sunni và Shiite rất có thể biến thành một làn sóng xung đột mới, gây khủng hoảng và bất ổn cho toàn khu vực Trung Đông./.