Trong 2 ngày 11-12/10, ông đã có 3 cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Hamid Karzai để thảo luận về Hiệp ước an ninh song phương.

Mặc dù đã nhất trí được về các vấn đề chính trong Hiệp ước, nhưng hai bên vẫn bất đồng về quyền miễn trừ truy tố cho quân đội Mỹ tại Afghanistan. Đây cũng là trở ngại lớn nhất khiến các cuộc đàm phán kéo dài 1 năm qua vẫn chưa đạt được kết quả cuối cùng.

kerry_copy.jpg
Ngoại trưởng Kerry  (trái) và Tổng thống Karzai (Ảnh Reuters)

Trong các cuộc gặp liên tiếp 2 ngày qua, Mỹ và Afghanistan đã đạt được thoả thuận về vấn đề chủ quyền quốc gia, việc ngăn chặn thương vong đối với dân thường cũng như các chiến dịch độc lập của lực lượng nước ngoài.

Riêng vấn đề quyền miễn trừ, Tổng thống Afghanistan Karzai cho biết ông sẽ dành cho Hội đồng các trưởng lão và Quốc hội quyền quyết định ai là người sẽ phán quyết đối với các hành vi phạm tội của số binh lính Mỹ ở lại Afghanistan sau năm 2014 khi Mỹ rút phần lớn trong tổng số 57.000 quân hiện có tại nước này.

Ông Karzai nói: “Quyền miễn trừ là một trong những vấn đề thuộc về giới chức chính phủ Afghanistan và nó chỉ hoàn toàn thuộc về người dân Afghanistan quyết định thông qua 2 cơ chế, đó là Hội đồng trưởng lão Afghanistan và Quốc hội Afghanistan”.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2014, Mỹ  sẽ rút phần lớn trong tổng số 57.000 binh lính hiện đang triển khai tại Afghanistan và sẽ giữ lại ở đó từ 8.000 đến 10.000 quân cùng một số căn cứ quân sự.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo, nếu hai bên không đạt thỏa hiệp về vấn đề nhạy cảm này thì cũng sẽ không có một hiệp định cho phép lính Mỹ tiếp tục ở lại Afghanistan sau năm 2014.

Phát biểu trong buổi họp báo chung sau cuộc gặp tại Kabul, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho biết: “Hai bên đã rất nỗ lực để giải quyết các vấn đề đã được đàm phán suốt gần 1 năm qua. Phần lớn trong số này đã được nhất trí. Chúng tôi muốn nói rằng, nếu vấn đề quyền miễn trừ không được giải quyết, thì sẽ không có thoả thuận an ninh song phương nào. Vì thế chúng tôi hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết, và nó cũng tuỳ thuộc vào người dân Afghanistan”.

Theo ông Kerry, miễn trừ không có nghĩa là bỏ qua mà Mỹ sẽ xét xử mọi hành vi sai trái nếu số lính Mỹ ở Afghanistan vi phạm. Ông cũng khẳng định một lần nữa Mỹ muốn hoàn tất việc đàm phán về hiệp ước an ninh song phương vào cuối tháng này.

Vấn đề an ninh tại Afghanistan hiện tại do Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan, trong đó phần lớn là binh sỹ Mỹ, đảm nhiệm.

Một số nước thuộc lực lượng này đã bắt đầu rút khỏi Afghanistan. Trong khi đó, tình hình an ninh tại Afghanistan đang ngày càng xấu đi với các vụ tấn công liên tiếp xảy ra trên cả nước. Các nỗ lực đưa Taliban ngồi vào bàn đàm phán không mang lại kết quả nào. Những yếu tố này đã làm gia tăng lo ngại về tương lai Afghanistan sau khi các lực lượng nước ngoài rút khỏi đây.

Sự sụp đổ của thoả thuận an ninh giữa Mỹ và Iraq năm 2011 do phía Iraq từ chối quyền miễn trừ cho quân đội Mỹ tại nước này, sau đó đã dẫn tới việc Mỹ rút quân khỏi Iraq. Nếu thất bại trong cuộc thương lượng với Afghanistan về Hiệp ước an ninh như đã từng thất bại với Iraq, chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama có thể sẽ phải rút toàn bộ binh lính ra quốc gia Nam Á này./.