Ngày 23/2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức và Hà Lan có chuyến thăm các căn cứ quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kiểm tra việc lắp đặt hệ thống tên lửa Patriot với mục đích để bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.

Mặc dù nhận được nhiều lời chỉ trích từ phía Syria, Nga, Trung Quốc… nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thomas de Maiziere nói rằng: “Không chỉ từ những tuyên bố của chúng tôi mà từ các chi tiết kỹ thuật cho thấy, hệ thống tên lửa này hiển nhiên mang mục đích phòng vệ. Rõ ràng trong khuôn khổ của NATO, các tên lửa này không được sử dụng như một tiền thân cho việc thiết lập vùng cấm bay tại Syria hoặc các kịch bản khác tương tự”.

Còn theo Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert thì hệ thống tên lửa này nhằm chống lại các tên lửa từ phía Syria: “Chúng tôi ở đây để bảo vệ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi không biết liệu Syria có tiến sát biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh trong khối NATO hay không, nhưng chúng tôi ở đây để làm giảm bớt nguy cơ leo thang căng thẳng”.

Hà Lan, Đức và Mỹ, mỗi nước đưa 2 hệ thống tên lửa Patriot và 400 binh sĩ tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tên lửa của Hà Lan được triển khai cuối tuần qua tại thành phố Adana, trong khi tên lửa của Đức được đưa tới thành phố Kahramanmaras, cách biên giới Syria 100 km.

Trước đó, ngày 4/12/2012, NATO nhất trí sẽ triển khai tên lửa Patriot theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường khả năng phòng không của quốc gia thành viên NATO này và xoa dịu mối quan ngại của Ankara về khả năng hứng chịu một cuộc tấn công bằng tên lửa từ Syria.

Trong khi các nước phương Tây tuyên bố rằng việc triển khai các hệ thống tên lửa Patriot chỉ nhằm mục đích phòng vệ và sẽ không hỗ trợ một vùng cấm bay hay bất cứ hoạt động tấn công nào, thì Nga, Trung Quốc và một số nước đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng việc Mỹ và NATO triển khai binh lính và tên lửa tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ làm cho tình hình Syria và khu vực căng thẳng hơn./.