Động thái này diễn ra sau khi Triều Tiên tiến hành thử tên lửa tầm trung trong những ngày qua.

Bước đi này được tiến hành trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang, với liên tiếp những tuyên bố và động thái răn đe lẫn nhau của các bên liên quan.

trieu_tien_ten_lua_tuee.jpg
Tên lửa Triều Tiên được phóng đi từ tàu ngầm. (Ảnh: Rodong Sinmun).

Dự thảo tuyên bố đang được Hội đồng Bảo an  Liên Hợp Quốc thảo luận yêu cầu tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc chậm nhất là tới ngày 31/5 phải đưa ra “các biện pháp cụ thể”  nhằm thực hiện nghị quyết 2270 thông qua hôm 2/3 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gia tăng các biện pháp trừng phạt quốc tế với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Một Ủy ban trừng phạt của Liên Hợp Quốc cũng được giao trọng trách tăng cường các nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết. Theo các nhà ngoại giao, văn kiện sẽ được thông qua trong những ngày cuối tuần này hoặc chậm nhất là tuần sau.  

Đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Kết Nhất nói: “Theo tôi, tìm ra được một giải pháp cho những vấn đề rất phức tạp trên bán đảo Triều Tiên sẽ cần một cách tiếp cận đa chiều và chúng ta không thể hi vọng  rằng, chỉ với một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ là giải pháp chính của vấn đề. Bất kỳ vấn đề  nào, đề xuất nào cũng cần được nghiên cứu một cách cẩn thận và đánh giá khả năng liệu có thể giúp làm dịu tình hình hay không, có giúp đi tới một giải pháp thông qua đàm phán hay không?”

Trước đó hôm 28/4, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức các cuộc tham vấn kín theo yêu cầu của Mỹ nhằm thảo luận về các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung mới đây nhất của Triều Tiên.  Được thông qua sau vụ thử hạt nhân hôm 6/1 và vụ phóng tên lửa hôm 7/2 của Triều Tiên, nghị quyết 2270 yêu cầu kiểm soát một cách có hệ thống tất cả các chuyến tàu chở hàng xuất phát và đến các vùng bờ biển Triều Tiên, đồng thời hạn chế hoạt động xuất khẩu đối với một số khoáng vật của Triều Tiên, cũng như cấm cung cấp  nhiên liệu để vận hành máy bay hay tên lửa của nước này.

Bất chấp Nghị quyết này, Triều Tiên tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa của mình. Trong 2 tuần qua, Triều Tiên đã 3 lần tiến hành phóng thử tên lửa tầm trung Musuđan, được cho là có khả năng tấn công các căn cứ của Mỹ tại đảo Guam trên Thái Bình Dương song cả 3 lần đều không thành công. 

Trong một dấu hiệu cho thấy tình trạng leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Chính phủ Mỹ hôm qua tuyên bố, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và Nga, các cuộc đàm phán về việc thiết lập Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc sẽ được tiếp tục, sau các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Theo Chính phủ Mỹ, thiết bị này là nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên chứ không phải là Trung Quốc hay Nga.

Trước đó, cùng ngày,  Trung Quốc và Nga đã hối thúc Mỹ không triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới tại Hàn Quốc, cho rằng điều này không chỉ đe dọa đến việc thực thi nghị quyết về bán đảo Triều Tiên, mà còn đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng tại khu vực, thậm chí là phá hủy sự cân bằng chiến lược trên bán đảo Triều Tiên./.