Cuộc họp được dự báo một lần nữa chứng kiến sự đối đầu nghiêm trọng về lập trường giữa một bên là Nga và những nước ủng hộ với một bên là Mỹ và các đồng minh phương Tây.

douma_bgsx.jpg
Khói bốc lên sau một đợt giao tranh dữ dội tại Douma. Ảnh: AFP

Theo nhóm nổi dậy chính Jaish al Islam- hiện kiểm soát thị trấn Douma, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy gần thủ đô Damascus- các lực lượng Chính phủ đã sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công hôm 7/4 vừa qua nhằm vào dân thường.

Trong khi đó, Liên minh các tổ chức cứu trợ và chăm sóc y tế của Pháp cho biết, vụ tấn công đã làm hơn 60 người chết và hơn 1.000 người bị thương. Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học tuyên bố đang nỗ lực tập hợp tất cả các thông tin có liên quan.

Trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích đây là một sự khiêu khích của quân nổi dậy và cho rằng, việc đưa ra kết luận mà không có bằng chứng xác thực là một “diễn biến nguy hiểm”. Ông Lavrov hy vọng, sẽ không có bất kỳ một quốc gia nào tìm cách gây bất ổn tình hình.

Về phần mình, Chính phủ Iran cho rằng, những thông tin về một vụ tấn công hóa học như thế tại Syria là vô căn cứ và nhằm tạo cái cớ cho một hành động quân sự chống lại chính quyền Syria.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Anh cho biết, cùng với Pháp, nước này sẽ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiều lựa chọn để đáp trả vụ tấn công tình nghi sử dụng khí độc clo này.

Chính phủ Đức cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công, cho rằng, bối cảnh vụ việc cho thấy chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm. Tổng thống Donald Trump trước đó cam kết sẽ buộc thủ phạm của vụ tấn công phải trả giá đắt.

Trong những năm qua, tại Syria cũng đã từng xảy ra một số vụ tấn công bằng vũ khí hóa học gây thương vong cho dân thường. Cả phía Chính phủ Syria và phe nổi dậy đều đổi lỗi cho nhau là thủ phạm gây ra các vụ tấn công này./.