4 ngày sau khi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc hoàn tất việc rút quân giai đoạn 1 khỏi các điểm nóng tranh chấp nằm trên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Đông Ladakh, xuất hiện những chuyển động tích cực trong quan hệ song phương. Dư luận kỳ vọng đây sẽ là các bước đi nhằm làm "tan băng" mối quan hệ giữa hai cường quốc châu Á vốn "mắc kẹt" trong căng thẳng suốt 10 tháng qua.

Hãng tin Reuters ngày 22/2 dẫn các nguồn tin Chính phủ và doanh nghiệp Ấn Độ cho biết, nước này đang chuẩn bị xem xét cấp phép cho 45 hồ sơ xin đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong số này, có các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Great Wall Motor và SAIC Motor, vốn đang chuẩn bị triển khai các dự án quan trọng tại nước láng giềng. Các hồ sơ xin giấy phép này đã bị ‘treo’ từ giữa năm ngoái, ngay sau khi Ấn Độ thắt chặt kiểm soát với các nhà đầu tư Trung Quốc trả đũa việc binh lính Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ nước này trên dãy Himalaya.

Theo Reuters, đã có tổng cộng 150 đề nghị đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc trị giá trên 2 tỷ USD bị ‘tắc’ do các căng thẳng địa chính trị song phương. Thậm chí, các doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ vốn triển khai đầu tư qua bên thứ ba là đặc khu hành chính Hong Kong cũng bị vạ lây khi phải chịu những biện pháp hạn chế, đánh giá nghiêm ngặt do một ủy ban liên bộ của Ấn Độ tiến hành. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Ấn Độ, cơ quan chủ trì việc xem xét, đánh giá các dự án đầu tư của Trung Quốc chưa có phản hồi về thông tin này.

Các nguồn tin Chính phủ Ấn Độ cho biết, hầu hết các dự án trong số 45 hồ sơ được xem xét lần này nằm trong ngành sản xuất, chế tạo; vốn được coi là ít nhạy cảm hơn với an ninh quốc gia. Đồng thời, đây là các lĩnh vực mà Ấn Độ đang tập trung khuyến khích. Hai cái tên đáng chú ý trong số dự án được xét duyệt là Great Wall Motor và SAIC Motor hai doanh nghiệp sản xuất ô tô của Trung Quốc. Great Wall và hãng xe Mỹ General Motors đạt được thỏa thuận hồi năm ngoái, theo đó nhà sản xuất Trung Quốc sẽ được quyền mua lại nhà máy sản xuất của GM tại Ấn Độ. Thương vụ này trị giá 250 – 300 triệu USD.

Trong khi đó, Great Wall cũng dự định dành khoảng 1 tỷ USD cho thị trường Ấn Độ trong vài năm tới. Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc muốn lập cơ sở ở nước láng giềng Nam Á, nơi được coi là cứ điểm cho chiến lược toàn cầu của mình. Great Wall sẽ bắt đầu bán xe ô tô động cơ đốt trong tại Ấn Độ từ năm nay và tiếp đó là các sản phẩm chạy điện. Các động thái của Chính phủ Ấn Độ diễn ra chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi hai nước bước đầu giải quyết được căng thẳng tại biên giới ở Đông Ladakh. Hôm 19/2, binh lính hai bên đã hoàn tất việc rút quân khỏi khu vực bờ Bắc và Nam hồ Pangong, nơi tranh chấp và đối đầu kéo dài từ tháng 5/2020. Hai cường quốc châu Á phải cần tới 9 vòng đàm phán quân sự để đạt được giải pháp này.

Phía Trung Quốc cũng đã có cử chỉ thể hiện thiện chí với Ấn Độ. Ngày 22/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết nước này ủng hộ việc Ấn Độ đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) trong năm nay và tuyên bố sẽ cùng New Delhi thúc đẩy hợp tác trong nhóm 5 nước này.

Như vậy, cả Ấn Độ và Trung Quốc đang có những chuyển động nhằm hàn gắn quan hệ song phương rất nhanh sau khi ‘hạ nhiệt’ được tranh chấp lãnh thổ tại biên giới. Căng thẳng trong suốt 10 tháng qua khiến mọi hoạt động giao thương, đầu tư giữa hai nước bị ảnh hưởng nặng nề. Cộng hưởng với những tác động của đại dịch Covid-19, thiệt hại của hai nền kinh tế là rất lớn. Trong khi đó, Ấn Độ với quan điểm cứng rắn rằng ‘quan hệ song phương sẽ không thể trở lại bình thường chừng nào chưa giải quyết được tranh chấp biên giới’. Điều này có lẽ là lý do để đưa hai nước tới một thỏa thuận rút quân chấp nhận được, làm cơ sở để khôi phục hợp tác.

Trong suốt 10 tháng đối đầu vì tranh chấp biên giới, Ấn Độ đã có những động thái xích gần với nhóm 3 cường quốc gồm Nhật Bản, Australia, và Mỹ để hình thành Bộ Tứ Kim cương – một hình thức tập hợp nhằm mục đích kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc. Đó là một chỉ dấu không thuận lợi với Bắc Kinh về mặt chiến lược khi New Delhi, nước láng giềng, một đối tác quan trọng cả về song phương và đa phương lại đang có ý định đối đầu về lâu dài. Việc giải quyết bước đầu vấn đề biên giới lãnh thổ được coi là cơ hội để Trung Quốc "tái cân bằng" quan hệ với người láng giềng. Thượng đỉnh BRICS năm 2021 mà Ấn Độ đăng cai phải chăng sẽ là dịp để kiểm chứng sự "tan băng" thật sự trong quan hệ Ấn – Trung và sẽ làm rõ hơn cục diện cạnh tranh và hợp tác trong không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương?

Tuy nhiên, tất cả sẽ cần phải chờ hai nước hành động tới mức nào trong vài tháng tới để khôi phục mối quan hệ đã bị sứt mẻ suốt 10 tháng qua./.