Sau 3 ngày diễn ra liên tiếp, với vô số các hoạt động, lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của ông Barack Obama đã chính thức khép lại. Trong ba ngày đại lễ hội, ông Obama đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng, quà tặng của người dân Mỹ và lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, nhưng ngay lúc này Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đang phải đương đầu với không ít khó khăn thách thức, cả về chính sách đối nội và đối ngoại.

obama-trong.jpg
Vị Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ - ông Barack Obama (Ảnh: theafronews.ca)

Thách thức trước tiên đối với Tổng thống Obama là phải nhanh chóng hoàn thiện bộ máy chính phủ nhiệm kỳ hai, để cùng ông “chèo lái” nước Mỹ vượt qua giai đoạn kinh tế phục hồi yếu ớt và chia rẽ sâu sắc về xã hội. Đến nay, Tổng thống Obama đã đề cử bốn gương mặt vào các vị trí chủ chốt của nội các, gồm các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Tài chính và Cục tình báo Trung ương. Đây đều là những nhân vật thân cận và được ông Obama rất tin tưởng. Tuy nhiên, ngoại trừ Thượng nghị sỹ John Kerry có thể dễ dàng vượt qua “cửa ải” Thượng viện để trở thành người kế nhiệm Ngoại trưởng Hilary Clinton, các ông Chuck Hagel được đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng, Jack Lew - Bộ trưởng Tài chính và John Brennan - Giám đốc Cục Tình báo Trung ương đều gặp trở ngại. Ba nhân vật này không chỉ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các thượng nghị sỹ Cộng hòa, mà một số thượng nghị sỹ Dân chủ cũng không đồng tình với đề cử của Tổng thống Obama.

Khó khăn thách thức tiếp theo đối với Tổng thống Obama đó là ưu tiên giải quyết ba vấn đề cấp bách của nước Mỹ, bao gồm thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế mà trước tiên là xử lý trần nợ công, kiểm soát súng đạn và cải cách chính sách nhập cư.

Về lĩnh vực kinh tế, có thể nước Mỹ đã tránh được “vách đá tài chính”, nhưng các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận đạt được vào phút cuối về bắt đầu tăng thuế với những người giàu nhất và tránh cắt giảm các khoản chi tiêu lớn chỉ là giải pháp tạm thời. Ngay lúc này, một cuộc khủng hoảng tài chính khác đang lờ mờ hiện ra và một khi điều đó trở thành hiện thực nó sẽ gây ra những tác động rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế số một thế giới.

Hiện Chính phủ Mỹ đã chạm vào giới hạn vay nợ do Quốc hội áp đặt là 16.400 tỷ USD và nếu không thỏa hiệp được về trần nợ, vào giữa tháng Hai tới, nước Mỹ sẽ cạn tiền, đồng nghĩa với chính phủ phải tạm ngừng hoạt động.

Giáo sư Tài chính Frank Reilly nhận định, một khi Chính phủ Mỹ không thể thanh toán lãi suất các khoản vay, sẽ gây ra sự hỗn loạn lớn trên các thị trường thế giới. Ông Reilly phân tích: “Nếu bạn là một doanh nhân và bạn có ý định thuê 100 nhân viên mới nhưng không biết điều gì sẽ xảy ra với trần nợ, bạn sẽ phải chờ cho đến khi tình hình qua đi. Vì vậy, việc Quốc hội Mỹ đang tranh cãi về trần nợ, chẳng khác nào hành động ghìm dây cương lại  không để cho ngựa chạy”.

Liên quan tới các biện pháp kiểm soát súng đạn, phe Cộng hòa cho rằng gói 23 sắc lệnh mà Tổng thống Obama mới ký ban hành không thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Nhiều nghị sỹ Cộng hòa, nhất là Hiệp hội súng quốc gia (NRA), tổ chức có 4,5 triệu thành viên - có tiếng nói lớn trong Quốc hội và chính quyền nhiều bang, đã tuyên bố bằng mọi cách ngăn cản Tổng thống Obama thúc đẩy thông qua một dự luật về kiểm soát các loại vũ khí tấn công.

Trong chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai và bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Obama đã tỏ rõ quyết tâm cải cách chính sách nhập cư. Đây cũng là việc không dễ thực hiện, bởi sự phản đối của không ít chính giới và người dân Mỹ, nó đụng chạm đến nhiều đối tượng, gây ra những tác động lớn về mặt kinh tế-xã hội, tuy nhiên ông Obama buộc phải thực hiện cam kết này.

Giáo sư Francisco Ochavira Martinez thuộc Đại học Northern Tamaulipas của Mexico phân tích: “Ông Obama giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua bởi lá phiếu của cử tri gốc La-tinh. Chúng tôi muốn ông ủng hộ và giữ lời hứa với những người nhập cư. Cần có một đạo luật. Nhưng trước khi đạo luật đó có hiệu lực, ông Obama cần ban hành một sắc lệnh trì hoãn việc trục xuất người nhập cư”.

Trên bình diện quốc tế, Tổng thống Obama phải xử lý khéo léo trục quan hệ Mỹ-Trung-Nga, bởi đây là yếu tố quyết định đến hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng không chỉ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà cả thế giới.

Hiện quan hệ Mỹ-Nga không có những bất đồng lớn về kinh tế-thương mại, nhưng hai bên lại thường xuyên đối đầu về lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, phòng thủ tên lửa, mở rộng NATO. Mỹ cũng luôn bất đồng với Nga và Trung Quốc về cách thức giải quyết các điểm nóng trên thế giới như cuộc xung đột kéo dài tại Syria, hồ sơ hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên. Việc quốc hội và tổng thống hai nước thông qua các đạo luật về con nuôi, Magnitsky báo hiệu một giai đoạn nhiều “sóng gió” trong quan hệ Mỹ-Nga.

Mối quan hệ Mỹ-Trung vốn nhiều bất đồng nay lại trở nên căng thẳng hơn liên quan đến những hành động gần đây của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và biển Đông, cũng như chính sách “chuyển trục” sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và biển Đông, song Mỹ khẳng định có lợi ích tại hai vùng biển chiến lược này, và tất nhiên Mỹ phải thực thi các bổn phận của mình được quy định trong các hiệp ước an ninh đã ký kết với Nhật Bản, Philippines.

Về quan hệ kinh tế-thương mại, nguy cơ xảy ra “chiến tranh tiền tệ” Mỹ-Trung đã hạ nhiệt thời gian gần đây, nhưng một cuộc chiến mới về thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ đang dần xuất hiện. Nếu không giải quyết ổn thỏa cuộc chiến mới này sẽ gây ra những hậu quả lớn cho hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trả lời phỏng vấn báo giới bên lề lễ nhậm chức của ông Obama ngày 21/1, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter bày tỏ: “Tôi vừa mới từ Trung Quốc trở về và mối quan ngại của tôi là có một yếu tố đối kháng đang hình thành giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều đó có thể tạo ra một cuộc đối đầu rất nghiêm trọng. Tôi hy vọng tình trạng đó sẽ thay đổi”.

Theo các nhà phân tích, nếu không khôn khéo giải quyết từng vấn đề, Tổng thống Obama không thể hiện thực hóa lời kêu gọi “đoàn kết và hợp tác” mà còn gây chia rẽ xã hội Mỹ hơn nữa, khoét sâu mâu thuẫn giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa. Mỹ cũng có thể sớm đánh mất vị trí siêu cường số một cả về kinh tế và quân sự vào tay Trung Quốc nếu không xử lý tốt các mối quan hệ Mỹ-Trung. Do không còn phải bận tâm về tái tranh cử, Tổng thống Obama được tự do theo đuổi các ý tưởng lớn và bảo vệ di sản của mình tại Nhà Trắng. Nhưng nếu muốn rời Nhà Trắng trong thế ngẩng cao đầu sau bốn năm nữa, ngay từ lúc này ông Obama phải hành động thận trọng và khôn ngoan./.