Chiến lược quốc gia Mỹ in đậm dấu ấn của Tổng thống Obama ngay từ khi ông bắt đầu vào Nhà Trắng tháng 1/2009. Tuy nhiên, những động thái đầu tiên sau khi tái đắc cử cho thấy ông cũng sẽ có những thay đổi từ những bài học sau 4 năm cầm quyền và nhất là sau “cuộc chiến” cam go giữa ông và ứng cử viên của đảng Cộng hòa  Mitt Romney.

Ngày 15/11, ngay trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trả lời nhiều câu hỏi và vạch ra những mục tiêu cho 4 năm tiếp theo của ông.

obama-press.jpg
Tổng thống Obama trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 (Ảnh: USA today)

Về đối nội

Kinh tế được coi là trọng tâm, nên ông Obama đã ngay lập tức hối thúc các nghị sĩ của đảng Cộng hòa tại Hạ viện nhanh chóng gạt bỏ những mâu thuẫn đảng phái cũng như thu hẹp bất đồng để giải quyết các vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với nước Mỹ, nhất là vấn đề “vách đá tài chính”.

Ông cam kết tạo ra thêm hàng triệu việc làm mới; tăng gấp đôi hàng hóa xuất khẩu nhằm hỗ trợ việc làm; phát triển năng lượng xanh nhằm giảm một nửa lượng nhập khẩu năng lượng vào năm 2020; giảm thâm hụt ngân sách; tăng thuế đối với giới thượng lưu; giảm thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu và những gia đình có thu nhập thấp; cải cách bộ luật thuế doanh nghiệp để giảm thuế cho những công ty đưa việc làm từ nước ngoài về Mỹ.

Ông nhấn mạnh tiếp tục chính sách thu hút lực lượng lao động có tay nghề và nhân tài từ các nước; cam kết đẩy nhanh các dự án hạ tầng cơ sở; khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhỏ; tiếp tục coi kinh tế nông nghiệp là quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu và tạo việc làm.

Ông Obama cũng chủ trương tăng đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo, với mục tiêu  trẻ em Mỹ phải được tiếp cận sự giáo dục tốt nhất thế giới; đào tạo và tuyển mộ thêm giáo viên; sinh viên được trực tiếp tiếp cận với các nguồn vay từ ngân hàng.

Tuy nhiên Chủ tịch Hạ viện, ông John Boehner, ngay lập tức tuyên bố rằng phe Cộng hòa sẽ không chấp nhận mọi đề xuất, trong đó bao gồm việc tăng thuế đối với những người giàu có.

Giới phân tích cho rằng, mặc dù nhận được sự ủng hộ của cử tri về chính sách tăng thuế nhằm vào người giàu, nhưng ông Obama sẽ vấp phải sự phản ứng của giới tài chính ở phố Wall. Ngoài ra họ còn lo ngại việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá 600 tỷ USD có hiệu lực từ đầu năm tới, có thể khiến đà phục hồi của nền kinh tế sẽ chậm lại trái với tham vọng của ông Obama.

Về đối ngoại

Tiếp tục triển khai chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống Obama đã có chuyến công du đến 3 quốc gia Đông Nam Á: Myanmar, Thái Lan, Campuchia. Chính sách này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong nhiệm kỳ mới của ông Obama, bởi đây là khu vực đang phát triển mạnh, tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế thế giới.

Ngày 19/11, ông Obama đã tới Yangon gặp Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi. Ông Obama đã khuyến khích những cải cách chính trị tại Myanmar. Trước đó, hồi tháng 9 Tổng thống Thein Sein và bà Suu Kyi cũng đã có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ.

Đáp lại những cải cách của Myanmar, Mỹ và một số nước phương Tây đã dỡ bỏ dần các lệnh cấm vấn đối với Myanmar. Washington đã bỏ lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Myanmar và cho phép một phái đoàn thương mại Mỹ tới thăm Myanmar liền sau đó.

Ông Obama cũng đã đến thăm Thái Lan và sau đó tới thăm Phnom Penh, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào ngày 18/11. Đây là hội nghị với sự tham dự của các nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á và các đối tác trong khu vực, trong đó có Nga và Trung Quốc.

Như vậy, chính sách hướng về châu Á của ông Obama bước đầu được xem đã có hiệu quả nhưng vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay là quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và 2 cường quốc Trung Quốc và Nga vẫn còn nhiều bất đồng. Tuy nhiên, Mỹ cho biết nước này trông đợi một mối quan hệ “mang tính xây dựng” hơn với ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh, đồng thời thừa nhận vai trò của Nga và tiếp tục đàm phán về cắt giảm kho vũ khí hạt nhân.

Ngay từ khi tái vận động tranh cử, ông Obama xác định nước Mỹ vẫn là cường quốc số một nhưng không thể tự mình giải quyết được mọi thách thức của thời đại mới, do vậy cần phải thông qua sự hợp tác với các đồng minh truyền thống, các đối tác và các tổ chức quốc tế, tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển quan hệ hợp tác với các trung tâm quyền lực mới.     

Ông Obama xác định ưu tiên đối ngoại thời gian sắp tới của Mỹ tiếp tục là chống khủng bố, ngăn chặn phổ biến hạt nhân, vũ khí sinh học, an ninh mạng và sự biến đổi khí hậu. Về thương mại, ông Obama đã nhiều lần xác định đây là một bộ phận không thể thiếu cho sự thịnh vượng của Mỹ, cam kết tiếp tục thúc đẩy mở cửa các thị trường nước ngoài, ưu tiên cùng các nước sớm kết thúc đàm phán  Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); xác định khu vực Mỹ Latinh là thị trường rộng lớn cho hàng xuất khẩu của Mỹ.    

Trung Đông vẫn được ông Obama xác định là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại nhiệm kỳ hai. Quan điểm của ông là bảo vệ đồng minh Israel, ủng hộ việc đàm phán ký kết hiệp định hòa bình lâu dài tiến tới thiết lập hai nhà nước Israel và Palestine độc lập; tiếp tục cùng các đối tác Arab và thế giới giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria; tiếp tục ưu tiên cho các giải pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế, nhưng vẫn để ngỏ phương án sử dụng các biện pháp quân sự nếu Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.

Châu Âu vẫn được ông Obama coi trọng - là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó có việc tăng cường sức mạnh của NATO, triển khai hệ thống NMD ở Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Rumani.

Như vậy, cử tri Mỹ đã lại một lần nữa tin tưởng và đặt kỳ vọng vào ông Obama. Bản thân ông cũng muốn làm nhiều việc hơn nữa cho nước Mỹ. Tuy nhiên, với cơ cấu Quốc hội mới khóa 113 vẫn chia đều quyền lực cho hai đảng, 4 năm tới đối với ông Obama được xác định là không ít khó khăn. Vì thế, những kỳ vọng về sự thay đổi nước Mỹ của ông Obama trong nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai vẫn còn đang ở phía trước./.