Các chuyên gia hàng không khu vực hôm nay (15/9), cảnh báo trong vòng 5 đến 10 năm tới, châu Á sẽ đối mặt với thảm họa tắc nghẽn hàng không như đã từng diễn ra với châu Âu 15 năm trước đây trong bối cảnh tần suất các chuyến bay ngày càng dày đặc. Tắc nghẽn hàng không sẽ khiến các chuyến bay tại châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á phải giảm tần suất hoặc tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến sẽ gia tăng nhanh chóng trên toàn khu vực.

Hiện nay, các đường bay Singapore đi Bangkok, Jakarta, Hongkong (Trung Quốc) hay Bangkok đi Hongkong cũng như châu Á đi châu Âu nói chung được xem là những đường bay đông đúc nhất thế giới và đứng trước nguy cơ tắc nghẽn tiềm tàng. Nhu cầu đi lại trong nước và quốc tế bằng đường hàng không tại châu Á - Thái Bình Dương đang tăng nhanh nhất thế giới, với tốc độ 5,7% mỗi năm, khiến các chuyên gia hàng không lo ngại hệ thống quản lý khu vực cả về nhân lực lẫn cơ sở hạ tầng không thể theo kịp tốc độ tăng trưởng trên.

Ngoài ra, các nước khu vực đa dạng về chính trị lẫn kinh tế lại không sẵn sàng chia sẻ thông tin về khả năng cũng như kỹ thuật hàng không với lo ngại ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Sự cố máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích mà không hề để lại bất cứ thông tin nào trên các hệ thống kiểm soát không lưu thương mại khu vực được xem là ví dụ cụ thể nhất cho sự hợp tác hàng không yếu kém tại châu Á.

Theo các chuyên gia, giải pháp cho vấn đề này là các nước khu vực phải thúc đẩy các hệ thống và quy định chung, đầu tư tốt hơn cho công nghệ kiểm soát và điều khiển không lưu để giám sát các chuyến bay tốt hơn./.