Hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin ngày 18/10 cho biết, Mỹ đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Hàn Quốc và Triều Tiên thiết lập vùng cấm bay ở các khu vực biên giới hai nước để ngăn chặn các vụ đụng độ máy bay. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy bất đồng giữa Hàn Quốc và Mỹ, đồng minh hàng đầu của nước này.
Khu vực biên giới liên Triều. Ảnh: Yonhap News. |
Cả Mỹ và Hàn Quốc đều công khai khẳng định quan điểm tương đồng về giải pháp đối với vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên phía sau hậu trường, có nhiều dấu hiệu cho thấy bất đồng gia tăng giữa hai nước đồng minh, trong bối cảnh hai miền Triều Tiên đang thúc đẩy các kế hoạch xoa dịu căng thẳng quân sự và thiết lập lại quan hệ kinh tế.
Thỏa thuận quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 9/2018 ở Bình Nhưỡng, là một trong những thỏa thuận cụ thể nhất giữa hai nước láng giềng này trong năm 2018. Thỏa thuận này bao gồm việc chấm dứt “toàn bộ hành động thù địch”, thiết lập vùng cấm bay xung quanh khu vực biên giới, rà phá bom mìn và giảm dần các bốt canh gác xung quanh khu vực phi quân sự (DMZ). Giới chức Mỹ lo ngại thỏa thuận có thể làm tổn hại năng lực phòng thủ của Hàn Quốc, trong bối cảnh không có tiến bộ đáng kể nào về tiến trình phi hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ sự “bất mãn” đối với thỏa thuận này trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tuần trước. Theo các quan chức Hàn Quốc, Mỹ không có khả năng công khai phản đối sáng kiến giữa hai miền Triều Tiên, tuy nhiên sự can dự sâu của nước này trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt và hoạt động quân sự tạo cho Mỹ lợi thế để trì hoãn hoặc thay đổi chính sách.
Vùng cấm bay, có hiệu lực từ ngày 1/11/2018, sẽ mở rộng 40 km về phía bắc và phía nam từ Đường ranh giới quân sự phía Đông và 20 km ở phía Tây. Theo các nguồn thạo tin, vùng cấm bay là vấn đề mấu chốt khiến Mỹ lo ngại bởi nó sẽ ngăn cản các cuộc tập trận tiếp viện trên không và ông Pompeo đã nêu vấn đề này trong cuộc điện đàm với bà Kang Kyung-wha. Trong hoạt động tiếp viện trên không, các máy bay cung cấp hỏa lực cho binh lính hoạt động gần các lực lượng đối phương. Hầu hết các máy bay chiến đấu mà các lực lượng Mỹ đang vận hành ở Hàn Quốc, như F-16, thực hiện nhiệm vụ này.
Thỏa thuận giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cấm các cuộc tập trận bắn đạn thật có sự tham gia của máy bay có cánh cố định và vũ khí không đối đất dẫn đường trong khu vực cấm bay. Hàn Quốc và Mỹ thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận như vậy cho đến tháng 6 vừa qua khi hai bên dừng tập trận chung. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng áp đặt nhiều hạn chế đối với máy bay trực thăng, máy bay không người lái và khinh khí cầu, song miễn trừ đối với các hoạt động thương mại, phi quân sự như y tế, cứu trợ thiên tai và hoạt động nông nghiệp.
Đàm phán với UNC
Trung tá Christopher Logan, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ đã từ chối bình luận về thỏa thuận nêu trên, song cho biết cơ quan này ủng hộ các nỗ lực giảm căng thẳng quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Còn người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Seoul đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) do Mỹ dẫn đầu.
Hàn Quốc đã tổ chức hơn 50 vòng đàm phán với UNC kể từ đầu năm đến nay. UNC chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), nhằm thúc đẩy việc thực thi các cam kết giữa hai miền Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, hôm 17/10, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức cuộc đàm phán 3 bên đầu tiên với UNC để thảo luận về các bước đi thực tiễn nhằm thực thi thỏa thuận quân sự giữa hai miền Triều Tiên, nhưng vẫn chưa công bố bất cứ biện pháp cụ thể nào.
Nghị sĩ Đảng Tự do của Hàn Quốc Baek Seung-joo cho biết, thỏa thuận này sẽ khiến Hàn Quốc và Mỹ gặp khó khăn trong việc tiến hành các cuộc tập trận trên không nói riêng và tập trận tổng thể nói chung, do vậy sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng trinh sát của liên minh Mỹ-Hàn Quốc. Tuy nhiên, UNC đang theo đuổi cách tiếp cận thận trọng để không tạo ra tâm lý chống Mỹ trong bộ phận công chúng ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hòa bình giữa hai miền Triều Tiên. Song song với việc duy trì quan hệ đồng minh tốt đẹp với Washington, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in hiện nay vẫn đang thúc đẩy nỗ lực tiếp xúc và đối thoại với Triều Tiên./.
Hàn Quốc đề nghị Triều Tiên lắp internet tại văn phòng liên lạc chung