Việc một số Bộ trưởng trong Nội các Nhật Bản ngày 15/8 đến thăm đền Yasukuni, nơi thờ những người Nhật Bản thiệt mạng trong chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó có một số tội phạm chiến tranh đã gây ra làn sóng chỉ trích từ một số nước châu Á, nhất là Hàn Quốc và Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mặc dù không đến thăm, nhưng đã gửi đồ tế lễ đến ngôi đền. Đây là vấn đề lịch sử mà cho đến nay vẫn gây trở ngại cho quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc cũng như Trung Quốc, hai nước coi việc thăm ngôi đền trên là hành động che đậy và chối bỏ lịch sử.
Các quan chức Nhật Bản đến thăm đền Yasukuni bao gồm Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Nhật Bản, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc, ông Keiji Furuya và Bộ trưởng Nội vụ và truyền thông Nhật Bản Yoshitaka Shindo. Chuyến thăm diễn ra nhân dịp kỷ niệm 69 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2.
Lý giải về việc đến thăm ngôi đền, ông Yoshitaka Shindo cho biết, đây là một chuyến thăm cá nhân và ông được quyền quyết định. Về phần mình, phát biểu với báo giới sau khi viếng đền Yasukuni, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Nhật Bản Keiji Furuya cho rằng, chuyến thăm của ông không có gì đáng tranh cãi bởi ông đến thăm ngôi đền với tư cách cá nhân giống như một người Nhật Bản bình thường chứ không phải một chính trị gia. Quan chức này cũng cho rằng ngôi đền này không phải là nơi để minh oan cho lịch sử chiến tranh của Nhật Bản.
Mặc dù vậy, việc các quan chức Nhật Bản đến thăm đền Yasukuni luôn vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Hàn Quốc và Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết, Trung Quốc “kiên quyết phản đối” việc Thủ tướng Nhật Bản Abe gửi đồ tế lễ và các quan chức nước này đến thăm ngôi đền.
Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối đến Nhật Bản. Tại nhiều địa phương của Trung Quốc trong vài ngày qua đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 69 năm Nhật đầu hàng quân đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Còn tại Hàn Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Noh Kwang-il trong một tuyên bố ngày 15/8 cho biết, Chính phủ Hàn Quốc coi chuyến thăm đền Yasukuni của các chính khách Nhật Bản là "biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản" và nhằm xóa sạch quá khứ chiến tranh.
Theo người phát ngôn trên, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản không thể được cải thiện cho tới khi các chính trị gia Nhật Bản xem xét lại nhận thức về lịch sử thời chiến và xin lỗi về những hành động trong chiến tranh của Nhật Bản.
Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng hối thúc Chính phủ Nhật Bản "đối mặt với lịch sử", thay đổi nhận thức về lịch sử, đặc biệt là vấn đề "phụ nữ mua vui" trong Chiến tranh Thế giới 2.
Trong bài phát biểu đánh dấu 69 năm ngày Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh Thế giới 2 và chấm dứt 35 năm Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Park Geun-hye nhấn mạnh, quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể phát triển từng bước vững chắc nếu những vấn đề trên được giải quyết: “Các nhà lãnh đạo chính trị Nhật Bản đang chia rẽ người dân của hai nước chúng ta và làm tổn thương họ. Tôi hy vọng năm tới sẽ là năm đầu tiên của một tương lai mới của hai nước chúng ta dựa trên quan hệ hữu nghị của người dân hai nước. Tôi hy vọng vào sự sáng suốt và quyết tâm của các nhà lãnh đạo Nhật Bản”.
Hàng nghìn người Hàn Quốc 15/8 tuần hành ở Thủ đô Seoul nhằm phản đối hành động trên của một số quan chức Nhật Bản. Những người phản đối cho rằng giới chức Nhật Bản đã không quan tâm đến Hàn Quốc, Trung Quốc và chính người dân nước họ và hy vọng sẽ không có những chuyến viếng thăm như vậy từ năm tới.
Trong khi đó, phát biểu tại lễ kỷ niệm 69 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới 2, Thủ tướng Nhật Bản Abe khẳng định, Nhật Bản sẽ đóng góp cho việc duy trì hoà bình thế giới lâu tới mức có thể và không từ bất kỳ nỗ lực nào mang lại một thế giới mà tất cả mọi người có thể sống một cuộc sống sung túc.
Chuyến viếng đền Yasukuni mới đây nhất của Thủ tướng Abe hồi tháng 12/2013 đã gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc và Hàn Quốc cũng như sự chỉ trích ở Mỹ. Kể từ khi nhận nhiệm sở trước đó một năm, Thủ tướng Abe thường bày tỏ sẵn sàng đối thoại với hai nước láng giềng./.