Đại sứ mới của Hàn Quốc ở Liên Hợp Quốc cảnh báo Nhật phải thừa nhận và tích cực giải quyết vụ nô lệ tình dục trong Thế chiến II.

Tân Đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc, ông Oh Joon trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây cảnh báo sẽ tiếp tục đưa vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật trong Thế chiến II ra tranh luận ở Liên Hợp Quốc.

phu-nu-giai-khuay-cho-linh-.jpg
Phụ nữ châu Á bị bắt ép làm "gái giải khuây" cho quân đội phát xít Nhật (Ảnh: boredcouple.net)

Ông Oh Joon cho rằng, “tốt nhất Nhật Bản nên thừa nhận và có thái độ tích cực trong việc giải quyết vấn đề này. Nếu không Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực từ các cơ quan của Liên Hợp Quốc”.

Tính đến thời điểm này, mới có hai cơ quan của Liên Hợp Quốc là Ủy ban chống tra tấn (CAT) và Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR) đã ra tuyên bố hoặc thông qua nghị quyết yêu cầu Nhật Bản phải có những động thái cần thiết bao gồm cả một lời xin lỗi chính thức, bồi thường tài chính cho các nạn nhân "nô lệ tình dục" còn sống và đưa vấn đề này vào sách giáo khoa để giáo dục học sinh Nhật Bản. 

Tuy nhiên phía Nhật Bản từ chối thực thi các yêu cầu này và cho đó là  những yêu cầu không bắt buộc, nên không có nghĩa vụ phải tuân theo.

Ông Oh Joon khẳng định sẽ đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao lớn hơn tại các cơ quan của Liên Hợp Quốc để giải quyết tới cùng vấn đề này.

Seoul đã từng bày tỏ quan ngại khi Nhật Bản nhất quyết không thay đổi quan điểm trong vấn đề nô lệ tình dục, đã đưa vấn đề này tới các diễn đàn của Liên Hợp Quốc như Đại Hội đồng và Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Được biết, có khoảng hơn 200.000 phụ nữ, chủ yếu là người Hàn Quốc, đã bị ép buộc làm “gái giải khuây” cho binh sĩ Nhật Bản trong Thế chiến II khi bán đảo Triều Tiên còn là thuộc địa của Nhật Bản (1910-1945). 

Cách thức giải quyết vấn đề ngược đãi và lạm dụng phụ nữ trong Thế chiến II vẫn còn một số bất đồng giữa hai nước, vì Nhật Bản cho rằng tất cả những vấn đề xung quanh thời kỳ thuộc địa đã được giải quyết thông qua một hiệp ước cơ bản Hàn Quốc-Nhật Bản được ký năm 1965. 

Quan hệ Seoul-Tokyo gần đây đã trở nên xấu hơn sau tuyên bố ​​gây tranh cãi của các quan chức và chính trị gia Nhật Bản phủ nhận sự tồn tại của tội phạm tình dục đồng thời cho rằng việc bắt ép nô lệ tình dục trong thời gian chiến tranh là không thể tránh khỏi.

Ông Oh nhấn mạnh sẽ cố gắng giải quyết vấn đề trong khuôn khổ quan hệ song phương, tránh tạo ra xung đột. Ông Oh tuyên bố: "Bất kỳ hành động nào của Liên Hợp Quốc bản thân nó đã tạo ra một sức ép lớn tới các nước có liên quan. Và Hàn Quốc sẽ tiếp tục gửi các thông điệp cho đến khi các điều kiện nhân quyền được cải thiện". 

Ông Oh Joon, 58 tuổi, là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, bắt đầu hoạt động trong ngành này từ năm 1978. Trước khi trở thành đại sứ của Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc, ông Oh Joon làm Đại sứ Hàn Quốc tại Singapore. 

Trong quá trình hoạt động ngoại giao, ông Oh từng phục vụ trong nhiều vị trí quan trọng của Liên Hợp Quốc.  Ông từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Giải trừ quân bị Liên Hợp Quốc (UNDC), một cơ quan của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc trong 1 năm./.