Hôm nay (7/9), Lực lượng Bảo vệ bờ biển và quân đội Hàn Quốc bắt đầu các cuộc diễn tập gần quần đảo tranh chấp Dokdo, mà Nhật Bản gọi là Takeshima. Cuộc diễn tập vẫn được Hàn Quốc tiến hành bất chấp việc nhiều ngày trước chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi Seoul đình chỉ tất cả các cuộc tập trận quân sự. Giới quan sát cho rằng Tokyo chắc chắn sẽ đưa ra những phản ứng quyết liệt sau cuộc tập trận này.

han-quoc-tap-tran.jpg
Một trong những cuộc tập trận giữa lực lượng bảo vệ bờ biển với hải quân Hàn Quốc gần đảo tranh chấp (Ảnh: South Korean Navy)

Hãng tin Yonhap cho biết, bối cảnh tập trận tập trung vào vai trò chủ chốt Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc trong việc đối phó với công dân của nước khác đang tiến đến và đổ bộ bất hợp pháp lên khu vực đảo Dokdo. Tuy nhiên, quy mô của cuộc diễn tập lần này chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày và  không có mục đổ bộ từ trực thăng như trong các cuộc diễn tập trước đó.

Thiếu tá Lee Boong Woo, Chỉ huy Lực lượng hỗn hợp thuộc Bộ Tư lệnh của Hàn Quốc cũng cho biết trong cuộc tập trận này quân đội chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển: “Cuộc tập trận để bỏ vệ quần đảo Dokdo sẽ được tiến hành như kế hoạch đã được chúng tôi công bố nhằm ngăn chặn bất cứ lực lượng dân sự nước ngoài nào đặt chân lên hòn đào này. Lực lượng Bảo vệ bờ biển sẽ đóng vai trò chỉ huy với sự hỗ trợ của quân đội”.

Dù chỉ mang tính chất định kỳ 2 năm một lần, song trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao Hàn Quốc – Nhật Bản leo thang sau chuyến thăm quần đảo Dokdo hồi tháng trước của Tổng thống Lee Myung Bak, cuộc tập trận được cho là động thái “đổ thêm dầu vào lửa” trong quan hệ hai nước Đông Bắc Á này. 

Ngay khi Hàn Quốc công bố kế hoạch tập trận tại quần đảo Dokdo, chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng phản đối và kêu gọi Hàn Quốc đình chỉ các hoạt động diễn tập quân sự tại khu vực này. Thậm chí hôm 5/9 vừa qua, Nhật Bản đã tạm ngừng một chương trình trao đổi quân sự với Hàn Quốc – một động thái mà Bộ Quốc phòng Nhật cho là để “phản ánh những mối quan hệ căng thẳng giữa 2 nước”.

Không dừng lại ở đó, chính phủ Nhật Bản đã quyết định hủy một cuộc họp của bộ trưởng tài chính hai nước dự kiến diễn ra trong tháng này và đe dọa có thể ngừng các kế hoạch mua trái phiếu chính phủ của Hàn Quốc theo như thỏa thuận đã đạt được hồi tháng 5. Tokyo cũng tuyên bố sẽ cân nhắc lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 70 tỷ USD nhằm đảm bảo hành lang an toàn tiền tệ cho những giao dịch thương mại với Seoul.

Những động thái này báo hiệu rằng hệ quả của những rạn nứt ngoại giao có thể đe dọa đến quan hệ kinh tế của cả 2 nước. Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những đối tác hàng đầu của nhau trong lĩnh vực kinh tế với kim ngạch thương mại song phương năm ngoái đạt hơn 1.080 triệu USD, trong đó xuất khẩu từ Nhật Bản chiếm khoảng 40%, đạt 397 triệu USD.

Bên cạnh đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đang trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại song phương và đa phương khác nhằm hình thành một khối kinh tế được kỳ vọng là động lực của thế giới. Vì thế, nếu những tranh chấp ngoại giao ảnh hưởng sâu hơn đến quan hệ kinh tế, cả Tokyo và Seoul đều có nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” vì những tổn thất cho nhau, và sẽ “bị kìm chân” trong bối cảnh một Đông Bắc Á cạnh tranh quyết liệt giữa những nền kinh tế phát triển và mới nổi./.