Đây là một động thái có thể “đổ thêm dầu vào lửa” khi căng thẳng trong khu vực đang leo thang sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) có khu vực chồng lấn với các nước láng giềng.

Tuyên bố của Trung Quốc đã dấy lên sự phẫn nộ từ Hàn Quốc và Nhật Bản, do ADIZ mà nước này thiết lập chồng lấn với đảo Ieodo mà Hàn Quốc kiểm soát và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

adiz.jpg
ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập chồng lấn với khu vực đảo Ieodo do Hàn Quốc kiểm soát gây bất bình (Ảnh AFP)

Hàn Quốc cho biết họ không công nhận vùng ADIZ của Trung Quốc và vẫn bay qua vùng này mà không thông báo. Bên cạnh đó, Seoul cũng chuẩn bị để mở rộng vùng phòng không riêng của mình sau khi Bắc Kinh từ chối xem xét lại quyết định của mình trong cuộc hội đàm quốc phòng cấp cao giữa 2 nước tuần trước.

Bộ Quốc phòng Seoul cho biết họ có kế hoạch công bố khu vực phòng không mới lúc 14h chiều 8/12.

Khu vực phòng không mở rộng của Hàn Quốc chắc chắn sẽ bao gồm Ieodo và các đảo khác, trừ những vùng do quân đội Mỹ thiết lập năm 1951 trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Ranh giới phía nam dự kiến ​​sẽ trùng khớp với khu vực thông tin bay (FIR), mà nước này thiết lập để kiểm soát hàng không dân sự.

"Trước khi công bố, chúng tôi sẽ giải thích quan điểm của mình một cách cụ thể để các nước láng giềng biết", một quan chức chính phủ giấu tên cho biết: "Chúng tôi sẽ làm việc này thông qua các kênh ngoại giao quốc phòng, để không làm tổn hại lòng tin giữa các quốc gia".

Trong khi đó, phía Trung Quốc nhấn mạnh khu vực phòng không mới của Seoul "nên phù hợp với luật pháp và Công ước quốc tế".

Tuyên bố bất ngờ của Bắc Kinh hôm 23/11 về ADIZ được coi là một dấu hiệu mạnh mẽ rằng Bắc Kinh đang nâng tầm chính sách đối ngoại của mình, nhằm đối trọng với nỗ lực của Mỹ đang gia tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực theo chính sách “xoay trục sang châu Á" của Tổng thống Barack Obama.

Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng và cho biết sẽ không công nhận ADIZ mà Trung Quốc thiết lập.

Đây là một chủ đề quan trọng trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tuần qua. Cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được xem là không có bước đột phá, khi cả hai bên đều kiên định lập trường của mình.

Trước đó, ngày 6/12, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Khi Tổng thống Hàn Quốc Park nêu lập trường của Hàn Quốc về vấn đề này, phó Tổng thống Mỹ Biden đã "đánh giá cao lời giải thích của Tổng thống Park và những nỗ lực của Hàn Quốc", các quan chức cho biết./.