Khi nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh ở Syria có dấu hiệu “giảm nhiệt”, các cường quốc trên thế giới tiếp tục thúc đẩy các các nỗ lực trên 2 mặt trận ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Hai mặt trận này bao gồm thực hiện đề xuất của Nga về việc kiểm soát và tiêu hủy các kho vũ khí hóa học của Syria, đồng thời đưa ra các bước đi mới nhằm giúp chính phủ Syria và lực lượng đối lập ngồi vào bàn đối thoại.

ngoai-giao1.jpg
Giải pháp ngoại giao hy vọng sẽ tạo dựng hòa bình cho Syria (Ảnh: Reuters)

Đại sứ 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ngày 11/9 có cuộc họp kín để thảo luận kế hoạch kiểm soát và tiêu hủy kho vũ khí của Syria. Ngày 12/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng có cuộc gặp tại Geneva để thảo luận về tình hình Syria.

Cuộc họp Nga-Mỹ lần này được cho là để thăm dò và đánh giá liệu hai bên có thể cùng nhau hợp tác trong nhiệm vụ khó khăn về Syria hay không. Phía Nga ngày 11/9 cho biết, Nga đã trao cho Mỹ kế hoạch thực hiện đề xuất của nước này.

Hiện chi tiết của kế hoạch chưa được công bố, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Kerry khẳng định, bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến vấn đề vũ khí hóa học cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Mặc dù cùng ủng hộ theo đuổi một giải pháp ngoại giao về Syria nhưng bất đồng vẫn nổi lên giữa các nước thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, đặc biệt bất đồng quan điểm về dự thảo nghị quyết của Pháp, trao cho chính phủ của Tổng thống Syria  al-Assad một tối hậu thư để từ bỏ các kho vũ khí hóa học của mình hay phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Nga phản đối dự thảo nghị quyết này, đồng thời yêu cầu Mỹ và các đồng minh cần phải từ bỏ việc sử dụng vũ lực nhằm vào Syria.

Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Rõ ràng các hoạt động kiểm soát kho vũ khí hóa học của Syria chỉ có thể được thực hiện  nếu chúng tôi thấy phía  Mỹ và những người ủng hộ Mỹ nói không với việc sử dụng vũ lực. Rất khó để bắt buộc một nước nào đó, không chỉ Syria mà còn bất cứ nước nào khác trên thế giới, từ bỏ hành động đơn phương của mình khi luôn có một hành động quân sự sẵn sàng nhằm vào họ”.

Nga đề xuất thay nghị quyết của Pháp bằng một tuyên bố Chủ tịch về Syria-một động thái chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của Mỹ, Anh và Pháp.

Trước những bất đồng tiếp tục nổi lên trong cách tiếp cận về Syria, Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki- moon ngày 11/9 kêu gọi quốc tế cần đoàn kết và hợp tác để ngăn việc sử dụng vũ khí hóa học và giải quyết cuộc xung đột đang ngày ngày càng rộng  tại Syria.

Tổng thư kí Ban Ki-moon nói: “Những nỗ lực tập thể của chúng ta đã thất bại trong việc ngăn chặn các tội ác tại Syria trong hơn 2 năm qua sẽ vẫn là một gánh nặng đối với Liên Hợp Quốc và các nước thành viên. Tôi hi vọng rằng các cuộc thảo luận hiện nay liên quan đến các kho vũ khí hóa học của Syria sẽ giúp đảm bảo uy tín của Liên hợp quốc tiếp tục đóng vai trò  tích cực trong việc chấm dứt thảm kịch tại Syria”.

Nhà Trắng ngày 11/9 cho biết sẽ không đặt “thời gian biểu” cho một nghị quyết ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Syria và thừa nhận rằng để kiểm soát được các kho vũ khí hóa học tại Syria cần phải mất thời gian.

Bên cạnh những nỗ lực giúp thực hiện đề xuất của Nga kiểm soát kho vũ khí của Syria, Liên Hợp Quốc và các nước cũng thúc đẩy giải pháp ngoại giao kêu gọi lực lượng đối lập và chính phủ Syria ngồi vào bàn đối thoại, thông qua Hội nghị hòa bình quốc tế Geneva 2.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi ngày 11/9 đến Geneva để có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga-Mỹ, thảo luận việc nối lại các cuộc đối thoại hòa bình giữa chính phủ và lực lượng đối lập.

Trong bối cảnh nguy cơ quân sự đang ngày một giảm đi, việc giúp chính phủ và lực lượng đối lập Syria ngồi vào bàn đối thoại đang được dư luận đánh giá là giải pháp hiệu quả hơn cả để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua tại quốc gia Trung Đông này./.