Tuy nhiên, theo Hiến pháp Cộng hòa Séc, luật này chỉ có hiệu lực khi được Thượng viện và Tổng thống nước này phê chuẩn.

Theo luật mới này, các thành viên chính phủ sẽ bị cấm sở hữu các phương tiện truyền thông, và bất kỳ công ty nào mà các chính trị gia có cổ phần từ 25% trở lên sẽ không được nhận các khoản trợ cấp của nhà nước, tham gia đấu thầu các dự án công cộng và tiếp cận các quỹ đầu tư.

Ngay sau khi Hạ viện thông qua luật, Thủ tướng Bohuslav Sobotka trên trang mạng cá nhân Twitter nhấn mạnh, các nhà tài phiệt phải lựa chọn giữa việc trở thành thành viên chính phủ với việc nhận các khoản trợ cấp của nhà nước, tham gia các hợp đồng đấu thầu và sở hữu phương tiện truyền thông.

Trong khi đó, Phong trào ANO của Phó Thủ tướng Andrei Babis đã cáo buộc các đối tác trong chính phủ liên minh là đảng Xã hội Dân chủ (CSSD) và đảng Dân chủ Cơ đốc giáo thông qua luật này với động cơ chính trị.

Phong trào ANO cho rằng luật mới trực tiếp nhằm vào Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Andrei Babis, người sở hữu hai tờ báo lớn và một đài truyền hình tại Séc.

Một số nhà bình luận cho rằng Phó Thủ tướng Andrei Babis có thể lách bộ luật mới này thông qua việc chuyển nhượng quyền sở hữu các phương tiện truyền thông và các công ty cho một đối tác hoặc thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, việc Hạ viện thông qua luật này cũng là một bước tiến trong nền chính trị của đất nước.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Séc Andrei Babis, thủ lĩnh phong trào trung hữu ANO, được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng cho vị trí Thủ tướng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm tới.

Ngoài ra, ông Babis cũng là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tại Séc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và hóa chất. Ông cũng sở hữu các tờ báo và các bệnh viện tư nhân./.