9 hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đóng vai trò công tố viên đưa điều khoản luận tội cựu tổng thống Donald Trump đến phòng họp Thượng viện Mỹ lúc 19h ngày 25/1 (theo giờ Mỹ).
Thượng viện dự kiến bắt đầu phiên xét xử luận tội ông Trump vào ngày 9/2.
100 thượng nghị sỹ sẽ đóng vai trò như bồi thẩm đoàn trong quá trình có thể dẫn tới việc hủy bỏ tư cách giữ chức vụ tổng thống một lần nữa trong tương lai của ông Trump.
Có 10 hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu luận tội ông Trump ngày 13/1.
Đảng Dân chủ sẽ cần tới 17 thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ để kết tội ông Trump tại Thượng viện.
Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Patrick Leahy, người làm việc lâu năm nhất tại Thượng viện sẽ là người chủ trì phiên xét xử.
Theo Hiến pháp Mỹ, thông thường người chủ trì phiên xét xử luận tội là Chánh án tòa án tối cao, nhưng khi người bị luận tội không phải là một tổng thống đương nhiệm, thì một thượng nghị sỹ sẽ là người chủ trì.
Ông Leahy, 80 tuổi, được bầu vào Thượng viện lần đầu tiên năm 1974 và hiện nắm giữ vai trò chủ tịch tạm quyền Thượng viện.
Chánh án tòa án tối cao John Robert là người chủ trì phiên xét xử luận tội ông Trump tại thượng viện tháng 2/2020 về cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội.
Một trợ lý Thượng viện cho biết, ông Leahy vẫn có quyền bỏ phiếu trong phiên xét xử luận tội ông Trump. Các thượng nghị sỹ vẫn có thể bỏ phiếu về các vấn đề khi chủ trì phiên xét xử tại Thượng viện.
Một số thành viên đảng Cộng hòa đặt câu hỏi về điều này.
“Làm sao một thượng nghị sỹ vừa chủ trì phiên xét xử như một thẩm phán, lại vừa đóng vai trò như một thành viên bồi thẩm đoàn?”, Thượng nghị sỹ John Cornyn đặt câu hỏi trên twitter.
Nhiều nghị sỹ đảng Cộng hòa phản đối việc luận tội, cho rằng việc tổ chức phiên xét xử khi ông Trump không còn tại vị là vi hiến.
Ông Trump là tổng thống duy nhất của Mỹ bị Hạ viện luận tội 2 lần và sẽ trở thành người đầu tiên đối mặt với phiên xét xử luận tội tại Thượng viện khi đã rời nhiệm sở. Nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump kết thúc ngày 20/1./.