Trong bài viết đăng trên tờ Washington Post, vị Tổng bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô đã phê phán những khiếm khuyết của chế độ tư bản và khẳng định phương Tây phải tiến hành cải cách triệt để từ trên xuống dưới.

Ông nói cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ 2008 đến 2009 “đã chỉ rõ ra rằng hình mẫu mới của phương Tây là một ảo tưởng chỉ đem lại lợi ích cho bản thân người giàu. Các số liệu thống kê cho thấy cả người nghèo và tầng lớp trung lưu có ít hoặc không có lợi ích gì từ tăng trưởng kinh tế trong vài thập kỷ qua.”

Gorbachev viết tiếp:  Vấn đề không dừng lại ở tài chính và kinh tế nữa mà đã thành vấn đề chính trị. “Mô hình kinh tế trong các thập niên cuối cùng của thế kỷ trước đã lộ rõ là không bền vững. Nó chỉ dựa trên một động lực là kiếm siêu lợi nhuận và tiêu thụ cao cho thiểu số, dựa trên việc khai thác vô độ các nguồn tài nguyên, và dựa trên sự vô trách nhiệm đối với cả xã hội lẫn môi trường.”

Trên cơ sở những phân tích này, cựu Tổng thống Liên Xô nhận định: mô hình hiện nay của phương Tây phải bị thay thế chứ không phải là điều chỉnh. Gorbachev dự báo, thậm chí có thể xảy ra một biến động lớn kiểu cách mạng nếu như những nỗ lực và giải pháp hiện nay chỉ đơn thuần là bình mới rượu cũ.

Tuy không biết đích xác con đường phải đi cụ thể như thế nào nhưng ông “tin tưởng sẽ xuất hiện một mô hình mới – một mô hình nhấn mạnh đến nhu cầu của dân chúng và hàng hóa công, với một môi trường trong sạch hơn, hệ thống giáo dục và y tế lành mạnh hơn và người dân đủ khả năng tài chính để lo cho chỗ ở của mình.”

“Chê” tư bản phương Tây, Gorbachev quay sang khen ngợi một số quốc gia đã hình thành những yếu tố tích cực của một mô hình mới như vậy. Chẳng hạn ông viết, nhờ vứt bỏ các “giáo huấn” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà các nước như Malaysia và Brazil đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Hay như Trung Quốc và Ấn Độ đang kéo hàng trăm triệu người ra khỏi đói nghèo.

Kết thúc bài viết, Gorbachev kêu gọi tiến hành “xây dựng sáng tạo”, tích hợp các nhân tố xã hội và môi trường, và phi quân sự hóa nền kinh tế. Ông cũng không quên nhấn mạnh trách nhiệm đặc biệt của Hoa Kỳ trong công cuộc cải tổ đầy “phức tạp và đau đớn” này.

Mikhail Gorbachev - nhân vật “chủ chốt” làm sụp đổ Liên Xô thông qua “sáng kiến” cải tổ (perestroika) - hiện đứng đầu một cơ quan chuyên nghiên cứu về kinh tế, chính trị và xã hội, có trụ sở đặt tại Mátxcơva./.