Ngày 4/12/2018, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế về “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông” do Học viện Ngoại giao (DAV), Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Australia phối hợp đồng tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu, trong đó có các học giả từ các nước trong và ngoài khu vực, đại diện gần 30 phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam và các chuyên gia và học giả Việt Nam trên lĩnh vực an ninh và luật pháp quốc tế trên biển. Ban tổ chức đã nhận được sự đóng góp và hỗ trợ từ Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội cho Hội thảo.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo. |
Với sự tham gia của các diễn giả quốc tế và khu vực đến từ Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên Hợp Quốc (UN ILC), Anh, Australia, Pháp, Nhật Bản, Malaysia, Philippines và Việt Nam, hội thảo tập trung vào ba phiên với các nội dung: (i) Kinh nghiệm khu vực và quốc tế về trên phân định biển và giải quyết tranh chấp trên biển; (ii) Các khía cạnh pháp lý trong hoạt động và hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp lý trên biển; (iii) Thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên Biển Đông.
Phát biểu tại khai mạc hội thảo, TS. Phạm Lan Dung-Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao chia sẻ, hội thảo là một hoạt động khoa học được Học viện Ngoại giao phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức, thể hiện tinh thần chủ động và trách nhiệm trong việc bảo vệ hoà bình và trật tự khu vực và luật pháp quốc tế, là không gian để các học giả chia sẻ nghiên cứu, quan điểm và tìm kiếm các ý tưởng mới phù hợp, thúc đẩy hợp tác vì an ninh và ổn định trong khu vực.
Bà khẳng định Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, an ninh trong khu vực và trên toàn cầu, là vùng biển có những tuyến giao thương nhộn nhịp nhất thế giới. Hàng triệu người dân trong khu vực đang trực tiếp hoặc gián tiếp kiếm sống từ các hoạt động hàng hải trên Biển Đông. Trong thập kỷ qua, các vấn đề an ninh phi truyền thống đã làm suy yếu nỗ lực chung nhằm duy trì trật tự và an ninh tốt trong khu vực. Điều này đã tạo ra nhu cầu cấp thiết cần phải đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương. Những diễn biến gần đây ở Biển Đông đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thực thi luật biển, nhưng đồng thời cũng đặt ra những rủi ro nhất định đối với an ninh khu vực, trong bối cảnh một số chính phủ đang tìm cách thay đổi hơn là gìn giữ trật tự hiện hành. Điều này dẫn đến nhiệu vụ đụng độ trên Biển Đông.
Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu khai mạc hội thảo. |
TS. Phạm Lan Dung khẳng định, là một quốc gia ven bờ Biển Đông, Việt Nam luôn nỗ lực hành động hành động vì sự ổn định và hòa bình trong khu vực, đảm bảo trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, giải quyết các vấn đề mới nổi bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 cùng với các điều luật quốc tế hiện hành khác. Đến thời điểm hiện tại, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã hợp tác với các cơ quan liên quan của nhiều quốc gia gồm Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ và một số quốc gia Châu Âu khác. Việt Nam mong muốn mở rộng hợp tác hàng hải quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế để phục vụ các mục đích nêu trên.
Chia sẻ tại Hội thảo, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick khẳng định, hội thảo diễn ra rất đúng thời điểm khi thế giới đang trải qua những thay đổi về địa chính trị quan trọng và gây ảnh hưởng rất nhiều tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Australia, ASEAN và các nước EU cùng chia sẻ một tầm nhìn chung trong khu vực rằng mọi tranh chấp đều phải được giải quyết hoà bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa quân sự và dựa theo luật pháp quốc tế. Đại sứ cũng ca ngợi vai trò quan trọng của ASEAN trong việc xây dựng và gìn giữ hoà bình tại khu vực Biển Đông, bày tỏ tin tưởng thông qua việc chia sẻ thông tin, kiến thức và quan điểm, các nước sẽ có sự thấu hiểu nhau và hợp tác với nhau tốt hơn về mọi mặt.
Ông Steph Lysaght, Phó Đại sứ Anh tại Hà Nội, nhấn mạnh việc Vương quốc Anh chia sẻ lợi ích trong việc bảo an ninh hàng hải và hội thảo là một cơ hội quý báu để tăng cường hiểu biết về an ninh hàng hải và vai trò của tự do hàng hải đối với thương mại toàn cầu.
Đây là lần thứ ba hội thảo được Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Anh phối hợp với các đối tác tổ chức, với lần đầu tiên vào năm 2016. Trọng tâm của hội thảo là về an ninh hàng hải và nỗ lực ủng hộ hệ thống quốc tế dựa trên pháp luật./.