Sau phiên khai mạc diễn ra vào trưa 28/6 (giờ Nhật Bản), với tư cách là nước Chủ tịch G20, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chủ trì phiên thảo luận về kinh thế thế giới, thương mại và đầu tư, đổi mới sáng tạo. Tham gia phiên thảo luận có có 27 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên họp G20 ngày 28/6/2019. Ảnh: Jakarta Post |
Mở đầu phiên thảo luận, các đại biểu đã bàn về kinh tế số. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Đại diện của Tổ chức thương mại thế giới… đã tham gia phát biểu và đánh giá tầm quan trọng của thương mại điện tử. Các ý kiến đều hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Shinzo Abe về kinh tế số.
Tuyên bố đầu tiên liên quan đến kinh tế số đã được thông qua với sự đồng thuận của tất cả các quốc gia, khu vực tham gia với nhận thức chung số hóa sẽ làm thay đổi tích cực các nền kinh tế và xã hội, và dữ liệu sẽ trở thành yếu tố quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Do đó, sự hiệu quả của kinh tế số cần phải được đưa vào thực hiện tại tất cả các quốc gia.
Liên quan đến kinh tế toàn cầu các đại biểu cho rằng hội nghị G20 lần này cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ để duy trì và tăng cường tự do, công bằng, thể chế thương mại không phân biệt đối xử trên toàn cầu. Các đại biểu kêu gọi thống nhất việc duy trì thể chế tự do thương mại.
Trong bối cảnh đó, các đại biểu cũng cho rằng Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cần phải cải cách thể chế thương mại đa phương để phù hợp với thời đại.
Liên quan đến xung đột thương mại Mỹ-Trung, nhiều ý kiến lo ngại rằng sẽ có nhiều rủi ro đối với nền kinh tế thế giới trong thời gian tới. Về ý kiến này, nước chủ nhà Nhật Bản cho rằng tình hình này đang diễn biến phức tạp và cần phải giải quyết dựa trên những qui định của WTO về thương mại.
Trong phiên làm việc thứ 2 về đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào đổi mới công nghệ đã được các đại biểu thống nhất về tầm quan trọng của công nghệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội của các nước, và đưa ra một số giải pháp về đổi mới công nghệ.
Sau khi kết thúc buổi thảo luận ngày 28/6, các đại biểu tham gia Hội nghị đã tham gia vào một số hoạt động như thưởng thức nghệ thuật truyền thống, văn hóa ẩm thực...của Nhật Bản.
Dự kiến ngày 29/6, nước chủ nhà Nhật Bản sẽ đưa ra bản tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh thêm việc duy trì và tăng cường tự do hóa thương mại và tầm quan trọng của việc cải cách Tổ chức thương mại thế giới./.