Ngày 19/4, tại thủ đô Washington (Mỹ) đã khai mạc Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) để thảo luận về các thách thức toàn cầu. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tất cả các thể chế tài chính trên thế giới một lần nữa phải đối mặt với sự ảm đạm của nền kinh tế châu Âu và những bất đồng trong giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 diễn ra trong bối cảnh có nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại sự cân bằng giữa chính sách tăng trưởng và thắt lưng buộc bụng. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), không nên tiếp tục áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng như hiện nay, bởi nó không giúp tạo ra tăng trưởng và việc làm.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định: “Các triển vọng kinh tế toàn cầu đã ít nguy hiểm hơn. Nhưng thực tế, sự phục hồi của các thị trường tài chính chưa hẳn đồng nghĩa với sự phục hồi tăng trưởng và việc làm”.

Đã có nhiều ý kiến hoài nghi về cách tiếp cận của IMF về bài toán tăng trưởng. Bởi lâu nay, thắt lưng buộc bụng luôn là yêu cầu mà IMF, cũng như Liên minh châu Âu đặt ra cho các nước xin cứu trợ.

Ông Charles Wyplosz, chuyên gia về các vấn đề kinh châu Âu và tiền tệ cho biết: “Thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ mang lại những hệ quả là “không có tăng trưởng và không thể phục hồi tăng trưởng”. Vậy vì sao IMF lại yêu cầu những nước xin cứu trợ phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Trong khi Ngân hàng trung ương châu Âu có thể hạ lãi suất cơ bản, song rất ít, vì vậy, thực tế không giúp nhiều cho tăng trưởng”.

Bộ trưởng Tài chính Australia Wayne Swan mới đây còn “công kích” các chính sách thắt lưng buộc bụng tại châu Âu, góp phần đè nặng lên sự phục hồi kinh tế thế giới. Trong khi đó Chính phủ Mỹ lại lo ngại về những “yêu cầu” tại khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Rõ ràng, sau 3 năm, tình trạng thất nghiệp gia tăng và không có tăng trưởng đã cho thấy chính sách thắt lưng buộc bụng mà các nước châu Âu đang thực hiện đã không phát huy được tác dụng. Trong bối cảnh này, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay các vấn đề kinh tế mà Mỹ hay châu Âu đang gặp phải đều ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay là giải quyết sự mất cân bằng kinh tế và kích thích tăng trưởng toàn cầu. Đây cũng là nội dung thảo luận chính tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 hôm nay tại thủ đô Washington của Mỹ./.