Hôm qua (9/12), Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen có cuộc gặp trực tiếp nhằm tháo gỡ những bất đồng trong đàm phán về thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Tuy vậy, đã không có đột phá nào trong cuộc họp kéo dài 3 giờ, được hai bên mô tả là "thẳng thắn". Kết quả này không chỉ làm tăng thêm khả năng Brexit không thỏa thuận (Brexit cứng) mà có thể kéo theo những xáo trộn ngoài mong đợi sau khi hai bên kết thúc giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit. 

Sau cuộc đàm phán, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, hai bên vẫn còn "cách biệt" về thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Trong tuyên bố bằng văn bản, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh, hai bên nhất trí rằng, các nhóm đàm phán nên được triệu tập ngay để cố gắng giải quyết những vấn đề còn bất đồng.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson một lần nữa khẳng định, nước Anh sẽ thịnh vượng sau Brexit, bất kể nước này có đạt được một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu hay không.

"Chúng ta đều sẵn sàng cho mọi tình huống. Chúng ta đã đạt được thỏa thuận song phương với  Canada hay Australia và cho dù chúng ta có đạt được thỏa thuận với EU hay không thì vẫn sẽ có nhiều việc làm được tạo ra. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ rằng, từ đầu năm tới, đất nước chúng ta vẫn sẽ thịnh vượng, mạnh mẽ", ông Johnson nói.

Thông báo chung cho thấy, lãnh đạo Anh và EU nhất trí rằng, những điều kiện để thông qua được thỏa thuận hiện nay chưa đạt được do hai bên vẫn còn tồn tại những khác biệt trên 3 vấn đề chính: sân chơi bình đẳng, quản trị và nghề cá. Kết thúc cuộc gặp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Johnson cho đoàn đàm phán hai bên thêm thời hạn 5 ngày, tức đến ngày Chủ nhật (13/12) để chấm dứt bốn năm căng thẳng ngoại giao và cứu vãn các cuộc đàm phán đang gặp bế tắc.

Như vậy, chỉ còn 3 tuần nữa Anh sẽ hoàn thành hành trình rời khỏi EU. Cả Anh và EU đều cần có thời gian để Quốc hội của bên mình thông qua bất cứ thỏa thuận nào mà đoàn đàm phán đạt được. Trước “những bất đồng đáng kể” còn hiện hữu sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, đoàn đàm phán hai bên chắc chắn sẽ phải đẩy nhanh tốc độ đàm phán.

Nếu tình trạng đàm phán như thế này tiếp diễn đến hết năm 2020 thì Anh sẽ nói lời chia tay với thị trường chung và liên minh thuế quan của EU mà không “dắt túi” thỏa thuận nào đẹp lòng đôi bên, kéo theo đó có thể sẽ là những xáo trộn ngoài mong đợi do những tác động của Brexit “không thỏa thuận” mang đến. Đó là việc tắc nghẽn biên giới, đảo lộn thị trường tài chính và phá vỡ chuỗi cung ứng mỏng manh trên khắp châu Âu, những vấn đề vốn đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh châu Âu đang cố gắng đối phó với thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra./.