Hôm qua (6/12), các nhà đàm phán của Anh và Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục mắc kẹt trong tiến trình đàm phán về thỏa thuận thương mại hậu Brexit, dù chỉ còn 3 tuần nữa là đến hạn chót chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp. Chính vì thế, cuộc đàm phán hôm nay giữa hai bên được cho là nỗ lực cuối cùng nhằm thu hẹp những khác biệt đáng kể để đạt được một thỏa thuận thương mại, tránh tình trạng mất trật tự về thương mại sau khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc.

Phát biểu trước báo giới sau ngày đàm phán đầu tiên, trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu, ông Michel Barnier cho biết, hai bên vẫn chưa có thỏa thuận nào. Điều này trái ngược với thông tin được báo chí Anh đăng tải trước đó cho rằng, các đàm phán giữa EU và Anh đã đạt được đột phá trong vướng mắc quan trọng nhất liên quan đến nghề cá.

Dự kiến, tại các cuộc đàm phán vào hôm nay, trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu Michel Barnier và người đồng cấp phía Anh David Frost tiếp tục đàm phán về các vấn đề hai bên còn tranh cãi đó là tạo sân chơi bình đẳng, trợ cấp của nhà nước và đánh bắt cá. Các cuộc đàm phán có thể sẽ kéo dài vì một nhóm nhỏ gồm các nhà đàm phán cấp cao đang tranh luận những vấn đề cuối cùng gây nhiều tranh cãi nhất.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là sẽ vận động các nhà lãnh đạo châu Âu, dù cuộc điện đàm của ông với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen vào hôm qua chưa thu hẹp được khác biệt vẫn còn tồn đọng giữa hai bên. Ông Johnson và bà Ursula von der Leyen sau cuộc điện đàm đã đưa ra một tuyên bố chung không mấy hào hứng, cho thấy hai bên vẫn có sự chia rẽ lớn về quyền đánh bắt cá, các quy tắc thương mại công bằng và cơ chế thực thi để điều chỉnh bất kỳ thỏa thuận nào. Cuộc họp tiếp theo giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra vào tối nay (giờ địa phương). Sau đó 27 quốc gia thành viên EU sẽ tập trung tại Brussels vào ngày 10/12 để tham gia cuộc họp kéo dài hai ngày. Cuộc họp dự kiến sẽ giải quyết tranh chấp giữa các nước về vấn đề ngân sách chung và Brexit.

Tuy nhiên, một trở ngại cho quá trình đàm phán Brexit là chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang thúc đẩy dự luật thị trường Nội địa, vốn vi phạm điều khoản trong thỏa thuận Brexit giữa Liên minh châu Âu và Anh. Chắc chắn phía EU sẽ phản đối dự luật này của Anh.

Chính vì thế, phát biểu trước báo giới vào hôm qua, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho biết, ông sẽ không bị sốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận:

"Tôi nghĩ rằng hậu quả của việc không đạt được một thỏa thuận thương mại và một thỏa thuận quan hệ trong tương lai sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ thương mại, bởi vì EU và Vương quốc Anh còn rất nhiều điều cần đến nhau. Sẽ không có chuyện EU đồng ý phê chuẩn một thỏa thuận mới nếu chính phủ Anh phá vỡ thỏa thuận hiện tại và vi phạm luật pháp quốc tế”.

Hiện đàm phán Brexit đã ở vào giai đoạn cuối cùng buộc hai bên phải đưa ra quyết định đạt được thỏa thuận hay không thỏa thuận để có thể kịp trình Nghị viện EU thông qua vào phiên họp cuối cùng của năm vào giữa tháng 12 và có hiệu lực từ ngày 1/1 năm tới, thời điểm Anh chính thức rời khỏi khối thị trường chung EU.            

Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, “cuộc ly hôn” kéo dài 5 năm sẽ có một cái kết tồi trong bối cảnh nền kinh tế Anh và EU đều đang chịu những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Các nhà quan sát đã cảnh báo sự gián đoạn thương mại sâu sắc cho cả hai bên, với những nguy cơ tiềm tàng trong nhiều lĩnh vực./.