Theo thông tin phát đi từ Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen đã có cuộc điện đàm kéo dài 30 phút với Thủ tướng Anh Boris Johnson, trong đó nội dung chính là về kế hoạch mới được chính phủ Anh công bố trước đó một ngày về việc đàm phán lại với EU để sửa đổi điều khoản liên quan đến Bắc Ai-len trong thỏa thuận Brexit.
Kết thúc cuộc điện đàm, bà Ursula von der Leyen đã tuyên bố với ông Boris Johnson rằng, phía EU không chấp nhận việc đàm phán lại. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, Dana Spinant cho biết: “Chủ tịch Ursula von der Leyen đã lắng nghe các giải thích của Thủ tướng Boris Johnson và đã khẳng định rằng Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục sáng tạo và linh động trong việc thực thi điều khoản Bắc Ai-len, nhưng sẽ không đàm phán lại điều khoản này vì trách nhiệm của chúng tôi là đồng thời phải đảm bảo được cả sự ổn định lẫn tính có thể dự đoán tại Bắc Ai-len”.
Cùng chung quan điểm với Ủy ban châu Âu, nhiều quốc gia khác của EU cũng lên tiếng phản đối việc đàm phán lại điều khoản Bắc Ai-len trong thỏa thuận Brexit. Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, Clement Beaune cho rằng, các nước châu Âu đã đàm phán khắc nghiệt trong suốt 5 năm để đạt được thỏa thuận Brexit nên không có chuyện đàm phán lại một trong các điều khoản then chốt nhất của thỏa thuận này.
Trong khi đó, Sebastian Fischer, một trong những người phát ngôn chính phủ Đức cũng đưa ra nhận xét “liệu việc yêu cầu nước Anh tôn trọng những gì họ đã đàm phán, ký kết và phê chuẩn có phải là quá nhiều không?”. Trước đó, ông Boris Johnson cũng đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel nhưng không thu được kết quả.
Chính phủ Anh cho rằng, điều khoản hiện tại về Bắc Ai-len sẽ không thể bền vững do quá bất cập. Theo điều khoản này, EU được quyền kiểm tra hải quan với một số hàng hóa từ Anh vận chuyển đến Bắc Ai-len. Việc này đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong thời gian qua giữa Anh và EU xung quanh các mặt hàng thịt đông lạnh và xúc xích./.