Trước quy mô cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay, ngày càng nhiều nước thuộc không gian tự do đi lại Schengen muốn khôi phục các đường biên giới bên trong. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ kinh tế, thì liệu đây có phải là một tính toán có lợi? 

Luồng người di cư không có dấu hiệu suy giảm và những khó khăn mà các nước châu Âu phải đối mặt trong những tuần vừa qua đã khiến nhiều chính phủ và quan chức chính trị tại châu Âu phải cân nhắc lại các quy định về tự do đi lại của không gian Schengen.

nhap_cu_nxgt.jpg
Lời giải cho bài toán người tị nạn vẫn chưa có lời đáp. (Ảnh: Getty)

Một số nước, trong đó có Đức, Áo và mới đây nhất là Thụy Điển đã quyết định khôi phục tạm thời các đường biên giới bên trong không gian Schengen.  Pháp, vì các lý do liên quan tới loạt vụ tấn công khủng bố vừa qua ở thủ đô Paris cũng đã áp đặt trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới. 

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu mới đây cũng ra cảnh báo chính thức đối với Hy Lạp rằng, nước này cần phải kiểm soát tốt hơn luồng người di cư nếu không Liên minh châu Âu sẽ buộc phải “cô lập” nước này trong 2 năm.

Ủy viên châu Âu về di cư Dimitris Avramopoulos nói: “Nếu tình hình không thay đổi và những mối nguy cơ nghiêm trọng với an ninh vẫn còn, một số quốc gia thành viên có thể sẽ tiếp tục các biện pháp kiểm soát biên giới của mình sau khi thời hạn đặt ra hết hiệu lực. Vì thế chúng ta cần xem xét mọi lựa chọn phù hợp với các quy tắc của Liên minh châu Âu và tìm ra câu trả lời tốt nhất.”

Theo khoản 2 điều 2 của Hiệp ước Schengen, các nước ký kết có quyền tái thiết lập tạm thời việc kiểm soát biên giới hoặc một khu vực nhất định, vì lý do an ninh. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ giúp chính quyền các nước dễ dàng hơn trong việc kiểm soát luồng người di cư cũng như ngăn chặn các nguy cơ khủng bố. Tuy nhiên, việc khôi phục các đường biên giới cũng có những mặt trái.

Theo các nhà phân tích, mục đích ra đời của Không gian tự do đi lại Schengen là góp phần vào sự phát triển con người và  kinh tế tại châu lục. Chính vì thế, nếu đóng cửa Schengen cũng đồng nghĩa với những tác động tiêu cực đối với sự lưu thông hàng hóa, tài sản và con người.

Một minh chứng dễ thấy nhất đó là tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng tại các cửa khẩu sẽ gây ra gánh nặng hành chính lớn hơn và nhiều hàng hóa bị lưu kho hơn. 

Chỉ riêng với ngành công nghiệp Đức, nền kinh tế số 1 châu Âu, tất cả những điều này có thể khiến chi phí sản xuất gia tăng thêm 10 tỷ euro/năm, gây tác động tới thị trường lao động, thuế và hệ thống an  sinh xã hội. Đó là lý do tại sao các chính trị gia và các chuyên gia nói rằng, nếu hệ thống Schengen bị suy yếu, sẽ dần dần dẫn đến những hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thậm chí còn cho rằng, nếu Schengen bị khai tử, thì thị trường chung cũng tới hồi kết. Hiện tác động của việc tái kiểm soát biên giới mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra hộ chiếu, song nếu không có các biện pháp dài hạn thì không gì có thể nói trước được về những tác động kinh tế và kéo theo đó là cả chính trị mà Liên minh châu Âu sẽ phải đối mặt. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, biện pháp này vẫn là cần thiết để tăng cường an ninh biên giới nhất là trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố ngày càng tăng như hiện nay./.