Cuộc đua vào chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đang trở thành đề tài tranh cãi trong Liên minh châu Âu khi cựu Thủ tướng Luxemburg Jean-Claude Juncker cáo buộc Thủ tướng Anh David Cameron đang dùng “chiêu” đe dọa nhằm gây ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo châu Âu trong quyết định bầu chọn.
Đây được cho là đòn phản pháo sau khi Thủ tướng Anh Cameron cho rằng, việc bổ nhiệm ông Juncker có thể kích động làn sóng giận dữ từ hàng triệu cử tri đã bỏ phiếu cho các đảng phái có tư tưởng hoài nghi châu Âu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa qua.
Thủ tướng Luxemburg Jean-Claude Juncker (Ảnh Reuters) |
Mới đây, trong một cuộc trao đổi với báo giới, Thủ tướng Anh nhấn mạnh, Uỷ ban châu Âu (EC) cần một vị tân chủ tịch theo đường hướng cải cách. Trong khi đó, ông Juncker là Thủ tướng Luxemburrg trong thời gian khá dài, từ năm 1995-2013 khó có những ý tưởng mới.
Ông Juncker được biết đến là người ủng hộ tư tưởng liên bang hóa, là điều mà Chính phủ Anh không mặn mà.
Ngoài ra, trong một cuộc trò chuyện cá nhân với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Cameron còn đưa ra tuyên bố với hàm ý cho rằng Anh có thể rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) do làn sóng đòi trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ gia tăng nếu ông Juncker giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu.
Tuy vậy, Thủ tướng Đức Merkel vẫn giữ quan điểm ủng hộ ông Junker giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu.
Thủ tướng Đức Merkel nói: “Tôi lặp lại những gì tôi đã nói trước đây, tôi đang nỗ lực để đảm bảo rằng, ông Junker nhận được đa số phiếu cần thiết trong Hội đồng châu Âu để ông ấy có thể trở thành Chủ tịch tiếp theo của Ủy ban châu Âu. Một tinh thần châu Âu có nghĩa là luôn luôn có tham vọng để đạt được thỏa thuận cao nhất có thể. Đó là lý do tại sao tôi không quan tâm việc Vương quốc Anh là một thành viên của Liên minh châu Âu hay không".
Tuy vậy, ông Cameron vẫn có đồng minh. Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra tháng 5 vừa qua, lãnh đạo các nước Anh, Đức, Hungary và Thụy Điển đã chống lại việc đề cử cựu Thủ tướng Luxemburg làm người đứng đầu Uỷ ban châu Âu.
Hiện tại ngoài lãnh đạo các nước trên, ván cờ mạo hiểm của ông Cameron trong nỗ lực ngăn chặn việc bổ nhiệm cựu Thủ tướng Luxemburg còn nhận được sự đồng thuận của Thủ tướng Italy Matteo Renzi khi ông này mô tả ông Junker là “một trong những cái tên nhưng không phải duy nhất” cho vị trí Chủ tịch Uỷ ban châu Âu.
Đáp lại, cựu Thủ tướng Luxemburg trong buổi trả lời phỏng vấn tờ Bild am Sonntag của Đức ngày 2/6 đã cáo buộc ông Cameron đang “hăm dọa” châu Âu và lên án gay gắt quan điểm của Thủ tướng Italy trong bối cảnh một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ rằng Pháp cũng phản đối ông Juncker.
Theo tờ Bild am Sonntag, nguyên nhân Tổng thống Pháp François Hollande phản đối ông Juncker vào vị trí này có thể do lãnh đạo đảng Xã hội muốn có một ứng viên người Pháp trong cơ quan hành pháp cao nhất Liên minh châu Âu và người đó có thể là cựu Bộ trưởng Tài chính Pierre Moscovic.
Tuy vậy, ông Juncker vẫn bày tỏ lạc quan sẽ là người được chọn đảm nhiệm chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu vào tháng 7 tới khi cho biết ông được phần lớn các nhà lãnh đạo châu Âu hỗ trợ.
Ông Juncker nhấn mạnh, Liên minh châu Âu không nên để bị hăm dọa và kêu gọi lãnh đạo các quốc gia không được nhượng bộ trước áp lực thiểu số.
Như vậy, sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào cuối tháng 5 vừa qua, khi lực lượng phản đối nhất thể hóa châu Âu đã gia tăng đáng kể sau cuộc bầu cử (chiếm tới 1/3 số phiếu bầu), giờ đây với việc tranh cãi trong việc bầu chọn người đứng đầu Uỷ ban châu Âu, thì châu Âu sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập và phát triển.
Theo kế hoạch, Hội đồng châu Âu sẽ thông báo ứng cử viên Chủ tịch Uỷ ban châu Âu vào cuối tháng này và Nghị viện châu Âu sẽ tiến hành bỏ phiếu trong tháng 7.
Hiện nay, hai ứng cử viên sáng giá cho vị trí Chủ tịch Uỷ ban châu Âu là ông Juncker thuộc đảng Nhân dân châu Âu và ông Martin Schulz thuộc đảng Xã hội châu Âu./.