Ngày 21/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí sẽ tăng tốc việc thành lập Lực lượng bảo vệ biên giới trên bộ và trên biển chung của châu Âu vào mùa hè tới, nhằm kiểm soát người nhập cư đến từ Trung Đông và Bắc Phi.

ti_nan_wuoc.jpg
Dòng người di cư vẫn đang bất chấp nguy hiểm đổ về châu Âu. (Ảnh: AFP)

Phát biểu sau cuộc  họp tại Luxembourg, Ủy viên châu Âu về di cư  Dimitris Avramopoulos bày tỏ hy vọng rằng, Cơ quan bảo vệ biên giới mới của châu Âu sẽ đi vào hoạt động vào giữa tháng 6 tới.

“Các Bộ trưởng Nội vụ châu Âu đều đồng ý rằng, chúng ta phải đẩy mạnh nỗ lực để hoàn thiện quá trình thành lập. Lực lượng Bảo vệ biên giới và bờ biển châu Âu phải được triển khai trên thực tế vào giữa tháng 6 tới. Tôi biết rằng, thật là khó song nếu chúng ta làm việc chăm chỉ thì sẽ đạt được. Hiện chúng ta chỉ còn chờ được Quốc hội các nước thông qua. Tôi tin rằng chúng ta đã sẵn sàng để tiến về phía trước”, ông Avramopoulos nói.

Theo kế hoạch, lực lượng bảo vệ biên giới mới sẽ bao gồm một lực lượng phản ứng nhanh có thể được triển khai trong trường hợp cần thiết mà không cần sự cho phép của quốc gia thành viên sở tại.  Lực lượng sẽ gồm khoảng 1.500 quân, có quyền can thiệp vào các nước thành viên EU nếu nhận thấy các nước này không đối phó được hoặc thất bại trong việc bảo đảm an ninh tại biên giới.

Nếu được Quốc hội các nước thông qua, lực lượng mới này sẽ thay thế cho Cơ quan kiểm soát biên giới (Frontex) và sẽ tăng thêm quân số. Kinh phí hoạt động cho cơ quan này sẽ lên tới 355 triệu USD từ nay đến năm 2020.

Sở dĩ giới chức EU muốn nhanh chóng triển khai kế hoạch vừa nêu bởi có những cảnh báo rằng, dòng người di cư sau khi bị chặn ở tuyến đường biển Aegean (Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp) sẽ chuyển hướng sang tuyến đường biển dài và nguy hiểm hơn từ châu Phi sang Italy qua Địa Trung Hải. Ngoài ra, sau một mùa đông giá lạnh, dòng người tìm đường đến châu Âu có dấu hiệu tăng bất thường từ vài tuần qua.

Cùng với việc hối thúc thành lập Cơ quan bảo vệ biên giới mới, các Bộ trưởng Nội vụ châu Âu còn nhất trí kế hoạch chia sẻ các thông tin dữ liệu quốc gia giữa các nước thành viên về những đối tượng nhập cư bị nghi ngờ  liên quan đến các Tổ chức khủng bố./.