Cộng hòa Cyprus đang phải đối mặt với một tương lai ngắn hạn rất khó khăn và phải đưa ra quyết định khó khăn, không có giải pháp hoàn hảo. Đây là phát biểu của ông Olli Rehn - Uỷ viên các vấn đề về Kinh tế và Tiền tệ của Liên minh châu Âu ngày 23/3.

Ông Rehn cho biết, Uỷ ban châu Âu đang cố gắng mang đến một giải pháp giúp cộng hòa Cyprus. Và điều quan trọng là các bộ trưởng khu vực đồng tiền chung châu Âu cần đạt một thỏa thuận vào tối 24/3 về một gói cứu trợ dành cho đảo Cyprus: “Thật không may, các sự kiện diễn ra trong những ngày gần đây đã dẫn đến một tình huống mà không còn bất kỳ giải pháp tối ưu nào có sẵn. Hỗ trợ từ châu Âu có thể giúp giảm đi những khó khăn và thiệt hại kinh tế từ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tại Cyprus. Rõ ràng là trong tương lai gần, tình hình của Cyprus rất khó khăn. Nhưng Cyprus và người dân nước này là một phần trong gia đình châu Âu. Liên minh châu Âu sẽ giúp đỡ Cyprus xây dựng lại nền kinh tế”.

Trong nỗ lực nhằm tiếp cận gói cứu trợ tài chính quốc tế, giúp hệ thống ngân hàng quốc gia mở cửa trở lại và bảo toàn vị trí thành viên trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chính phủ Cộng hòa Cyprus đã vạch ra một kế hoạch hướng tới tái cấu trúc tổ chức cho vay của mình và thực thi những qui định chưa từng có nhằm vào các giao dịch tài chính. Đây được xem là "kế hoạch B", thay cho kế hoạch đánh thuế tiền tiết kiệm đã bị quốc hội Cyprus bác bỏ hôm 19/3.

Theo Tạp chí Phố Wall (Mỹ), các đề xuất mới khi có hiệu lực sẽ cho phép chính quyền đảo quốc này hạn chế các giao dịch điện tử, cắt giảm việc thanh toán bằng séc (chi phiếu), giới hạn rút tiền và thậm chí là chuyển đổi tài khoản séc thành tiền gửi có kỳ hạn một khi các ngân hàng (đóng cửa từ ngày 16/3) hoạt động trở lại.

Ngoài ra, "kế hoạch B" cũng bao gồm việc cắt giảm số tiền mà nước này cần huy động để đáp ứng điều kiện nhận cứu trợ của 3 chủ nợ là Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), từ 5,8 tỷ euro xuống còn 3,5 tỷ euro. Tuy nhiên, thời gian để các nhà lập pháp của Cyprus đưa ra quyết định không còn nhiều, bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 21/3 đã ra "tối hậu thư" là sẽ không cung cấp gói cứu trợ tài chính 10 tỉ euro nếu đến ngày 25/3 mà các ngân hàng Cyprus vẫn chưa ổn định trở lại và tìm được cách huy động 5,8 tỷ euro theo điều kiện mà họ đưa ra. Chính vì vậy, nếu quốc hội không thể thông qua những giải pháp mới, Cyprus không còn cách nào khác là phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu./.