Tại hội nghị Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở Brussels, Bỉ, 28 nước thành viên của khối vừa nhất trí đưa phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Lebanon vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên đã có nhiều ý kiến trái chiều về quyết định được cho là “sự thay đổi quan trọng” trong chính sách của Liên minh châu Âu này.

ngoai-truong1.jpg
Ngoại trưởng Anh  Hague (phải) ủng hộ việc đưa Hezbollah vào danh sách khủng bố (Ảnh: AP)
Việc đưa Hezbollah vào danh sách đen khủng bố của Liên minh châu Âu đồng nghĩa với việc khối này sẽ áp đặt lệnh cấm thị thực với các cá nhân và phong tỏa tài sản của các tổ chức có liên quan tới nhóm này. Tuy nhiên, tất cả các giao dịch tài chính hợp pháp tại Lebanon sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định mới này và Liên minh châu Âu vẫn duy trì các mối quan hệ ngày càng rộng mở với Lebanon.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Catherine Ashton nhấn mạnh: Do những lo ngại về vai trò của Hezbollah, chúng tôi vừa nhất trí xếp nhóm này vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, điều này sẽ không ngăn cản tới việc tiếp tục đối thoại với các đảng phái chính trị tại Lebanon. Chúng tôi cũng nhất trí rằng sẽ đảm bảo các giao dịch tài chính hợp pháp tới Lebanon, việc phân phát viện trợ từ Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên sẽ không bị ảnh hưởng”.

Một số quốc gia Liên minh châu Âu lý giải, việc Hezbollah tham gia hỗ trợ lực lượng chính phủ Syria chống lại quân nổi dậy do nước ngoài hậu thuẫn là lý do chính đứng đằng sau quyết định này.
Anh, được sự ủng hộ của Pháp, Hà Lan cùng nhiều thành viên Liên minh châu Âu khác cho rằng, sự can dự của Hezbollah vào cuộc chiến ở Syria đồng nghĩa với việc Lebanon đang ở trong tình thế mong manh, và Liên minh châu Âu cần phải xem xét khả năng xảy ra các cuộc tấn công trên lãnh thổ lục địa già trong tương lai. Ngoại trưởng Anh William Hague khẳng định, quyết định đưa nhóm vũ trang Hồi giáo ở Lebanon này vào "danh sách đen" của Liên minh châu Âu càng cho thấy sự quyết tâm và sự thống nhất của khối này trong cuộc chiến chống khủng bố.
“Anh hoan nghênh quyết định này. Đây là những gì mà chúng tôi đã từng yêu cầu, hối thúc các nước khác và chúng tôi cũng đã từng đề xuất một vài tháng trước. Vì vậy, tôi hài lòng về quyết định này. Liên minh châu Âu đã chỉ ra sự thống nhất mạnh mẽ của khối, cũng như chứng tỏ sự tồn tại những hậu quả của các hành động bạo lực trên mảnh đất châu Âu. Các nước châu Âu sẽ sát cánh bên nhau, sử dụng sức mạnh của mình, và vì vậy tôi nghĩ quyết định này đã mang đến một thông điệp mạnh mẽ”. Ông Hague nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho rằng, quyết định này là câu trả lời của Liên minh châu Âu cho những hành động khủng bố. Các lãnh đạo Israel thì cho rằng, việc Liên minh châu Âu xếp Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố là rất có ý nghĩa.

Trong khi đó, Nhà trắng cũng lên tiếng ủng hộ quyết định này của Liên minh châu Âu. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Liên minh châu Âu, một bước đi quan trọng khi liệt Hezbollah vào danh sách nhóm khủng bố. Quyết định này chỉ ra thông điệp mạnh mẽ tới Hezbollah là nhóm này không thể hoạt động mà không bị trừng phạt, vì những hậu quả mà nhóm này có liên quan trực tiếp trong vụ tấn công năm ngoái tại Bulgaria khiến ít nhất 6 dân thường vô tội thiệt mạng, cũng như những hoạt động khác của nhóm tại Síp”. Tuy nhiên, quyết định này của Liên minh châu Âu cũng đã vấp phải sự phản đối và không ít những chỉ trích. Trong một phát biểu tối ngày 22/7, Ngoại trưởng Iran, Ali Akbar Salehi nói rằng, quyết định trên được đưa ra dưới áp lực của một số nước thành viên Liên minh châu Âu, đi ngược lại với tất cả các nguyên tắc chính trị và luật pháp, “gây sốc” và “không thể chấp nhận được”. “Nhánh vũ trang của phong trào Hezbollah là một tổ chức đấu tranh chống lại mọi sự gây hấn, xâm lược từ bên ngoài và hiện diện hợp pháp trong đời sống chính trị tại Lebanon. Do đó, việc xếp nhánh vũ trang này vào danh sách các tổ chức khủng bố là hành động thiếu cơ sở logic", ông Salehicho biết. Chính Tổng thống Lebanon Michel Suleiman trong một tuyên bố đưa ra hôm 18/7 vừa qua cũng đã gọi Hezbollah là “một thành phần thiết yếu của xã hội Lebanon” và thúc giục Liên minh châu Âu không vội vàng đưa ra quyết định mà “không có các bằng chứng thuyết phục và khách quan”.

Liên minh châu Âu từng nhiều lần có ý định đưa Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố nhưng lo ngại việc làm này có thể gây ra bất ổn ở Lebanon và gây thêm căng thẳng ở khu vực Trung Đông. Chính vì vậy, quyết định dứt khoát của Liên minh châu Âu lần này đang rất thu hút sự chú ý và quan tâm của dư luận. Cộng đồng quốc tế đang lo ngại, liệu quyết định này có giúp đạt mục tiêu mang lại sự ổn định và an ninh trong cuộc chiến chống khủng bố hay không, hay chỉ là nhân tố góp phần cho vòng xoáy xung đột và bất ổn leo thang./.