Trong một tuyên bố, người phát ngôn tập đoàn khí đốt Gazprom, Sergei Kupriyanov nói: “Nếu Kiev không thanh toán tiền khí đốt, chúng tôi sẽ không thể tiếp tục cung cấp khí đốt cho Ukraine. Chúng tôi sẽ hành động theo đúng hợp đồng”.
Trước đó, ngày 25/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nhấn mạnh đến thời điểm hết hạn trả trước theo hợp đồng, và nếu phía Ukraine không thanh toán đúng hạn, Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt sang nước này.
Lo ngại một cuộc khủng hoảng khí đốt mới có thể xảy ra, Liên minh châu Âu đã cho mời các bộ trưởng năng lượng Nga và Ukraine đến Brussels, Bỉ để bắt đầu một cuộc đàm phán ba bên về khí đốt vào ngày 2/3 tới. Phía Nga và Ukraine đã nhất trí tham gia cuộc đàm phán 3 bên này.
Theo nguồn tin Liên minh châu Âu, thành phần tham gia đàm phán tại Bỉ không chỉ có bộ trưởng Năng lượng Nga và Ukraine, dự kiến còn có lãnh đạo tập đoàn khí đốt lớn nhất của Nga là Gazprom và Naftogaz của Ukraine.
Mục tiêu chính của đàm phán là Liên minh châu Âu muốn Nga và Ukraine đảm bảo thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình trong cung cấp và vận chuyển khí đốt tới châu Âu.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Anna-Kaisa Itkonen nói: “Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề năng lượng của Liên minh châu Âu Maros Sefcovic đã gửi thư đến Nga và Ukraine mời các Bộ trưởng Năng lượng để đàm phán ba bên tại Bỉ. Ủy ban châu Âu sẽ làm trung gian hòa giải cho vấn đề Ukraine và Nga. Trong đó, mục tiêu của đàm phán là bàn về các vấn đề an ninh năng lượng và nguồn cung khí đốt”.
Không có gì là khó hiểu khi Liên minh châu Âu lại phải đứng mũi chịu sào trong những vấn đề khí đốt giữa Nga và Ukraine. Bởi lẽ, nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine có tầm quan trọng sống còn không chỉ trong việc đảm bảo nguồn năng lượng và nhiệt trong mùa đông băng giá mà còn có vai trò then chốt như là một điểm trung chuyển khí đốt của Nga cho Châu Âu.
Nguồn cung cấp khí đốt của Nga chiếm khoảng 1/3 nhu cầu của Châu Âu và một nửa trong số này đi qua hệ thống mạng lưới đường ống trung chuyển ở Ukraine. Nhiều nước Đông Âu phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga trong khi Đức, Hy Lạp và Italy phụ thuộc phần lớn vào khí đốt Nga.
Do đó, giới chức Châu Âu đương nhiên không thể không lo ngại về lời đe doạ trên của Nga. Nếu Nga thực sự cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine điều đó sẽ khiến nhiều khu vực Châu Âu có nguy cơ rơi vào tình trạng bị tê cóng vì không có khí đốt. Kịch bản này đã từng xảy ra trong năm 2009 khi người dân châu Âu không có khí đốt để sưởi ấm giữa tháng 2 lạnh giá./.