Ngày 19/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Jean-Claude Juncker cho biết, Liên minh châu Âu (EU) có thể hủy bỏ điều khoản “chốt chặn” về vấn đề biên giới Ireland gây tranh cãi trong thỏa thuận Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, nếu Chính phủ Anh đưa ra được một giải pháp thay thế “an toàn”. 

johnson_juncker_jsue.jpg
Thủ tướng Anh Johnson (trái) và Chủ tịch EC Juncker. Ảnh: itv

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Sky News, ông Juncker nêu rõ, nếu giải pháp thay thế có thể đáp ứng "tất cả các mục tiêu" thì sẽ không cần điều khoản “chốt chặn”. Chủ tịch EC xác nhận, EU đã nhận được dự thảo đầu tiên về kế hoạch Brexit mới của Anh tối 18/9.

Trước đó, cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã nhận được văn bản từ Vương quốc Anh về những giải pháp thay thế cho điều khoản “chốt chặn” nhằm tránh sự trở lại của một đường biên giới cứng giữa Ireland và Bắc Ireland. Mặc dù vậy, bà Mina Andreeva, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu đã tuyên bố "cần phải xem xét chi tiết các đề xuất này".

Cũng theo bà Andreeva, các tài liệu này là cơ sở của những tranh luận mới dự kiến diễn ra vào ngày hôm nay (20/9) giữa trưởng đoàn đàm phán của EU, Michel Barnier và Bộ trưởng Brexit của Anh, Stephen Barclay.

"Chúng tôi đã nhận được văn bản từ Vương quốc Anh và trên cơ sở này, chúng tôi sẽ thảo luận kỹ thuật hôm nay và ngày mai về một số thủ tục hải quan đối với các hàng hóa chế biến hoặc các quy định về vệ sinh và kiểm dịch thực vật. Các cuộc thảo luận cũng sẽ diễn ra ở độ cấp chính trị giữa nhà đàm phán của Uỷ ban châu Âu là ông Michel Barnier và nhà đàm phán của Anh là ông Steve Barclay vào ngày 20/9”, bà Andreeva nói.

Về phía Anh, Bộ trưởng Brexit Anh Barclay kêu gọi EU linh hoạt và sáng tạo trong vấn đề này, nêu rõ điều khoản "chốt chặn" cần phải được loại bỏ khỏi thỏa thuận hiện tại. Ông Barclay khẳng định, Anh mong muốn hai bên đạt thỏa thuận nhưng cần sự nỗ lực từ hai phía để đạt được kết quả này.

Bộ trưởng Barclay kêu gọi: “Thời gian đang cạn dần. Vì vậy, chúng ta hãy làm việc sáng tạo để đảm bảo một thỏa thuận mà Anh có thể tuân thủ, một thỏa thuận không có điều khoản chốt chặn, một thỏa thuận mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và công dân hai bên, một thỏa thuận được cả quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu chấp nhận”.

Ông Barclay nhắc lại thỏa thuận Brexit hiện tại với điều khoản "chốt chặn" đã bị bác bỏ 3 lần tại Hạ viện Anh đồng thời chỉ ra một số điểm "không thể chấp nhận" ở điều khoản này trong đó có việc không có gì đảm bảo rằng điều khoản này sẽ chỉ mang tính tạm thời.

Điều khoản "chốt chặn" về vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland là nội dung gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận Brexit. Điều khoản này quy định sau Brexit, Anh sẽ ở lại liên minh thuế quan trong khi vùng Bắc Ireland duy trì quan hệ thương mại gần gũi hơn với EU để đảm bảo tránh một đường biên giới cứng trên đảo Ireland, cũng như sự toàn vẹn của "Hiệp ước ngày thứ Sáu tốt lành" ký kết năm 1998 vốn mang lại sự ổn định ở vùng này sau cuộc xung đột kéo dài 30 năm khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Phe bài EU tại Anh kịch liệt phản đối vì cho rằng điều khoản này sẽ khiến Anh mắc kẹt vô thời hạn trong những quy định thuế quan của EU và khó tiến tới mục tiêu tự do về kinh tế. Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết sẽ đưa ra một kế hoạch mới và không ký bất cứ thỏa thuận nào vẫn tồn tại điều khoản chốt chặn. Chính quyền của ông Johnson đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp thay thế điều khoản gây bế tắc trong tiến trình Brexit này./.